Cũng như nhiều công ty chứng khoán khác, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2021 mang lại cho ORS kết quả kinh doanh đột biến. Chính vì vậy, ORS trở thành một trong những mã cổ phiếu được giới đầu tư quan tâm. Vậy cổ phiếu ORS có phù hợp để đầu tư? Mọi người hãy cùng Ohmoney tìm hiểu để nhận định và đánh giá cổ phiếu ORS nhé!
I. Thông tin tổng quan của mã cổ phiếu ORS – CTCP Chứng Khoán Tiên Phong
Được thành lập từ năm cuối năm 2006, so với quá trình 10 năm hình thành và phát triển của TTCK, ORS ra đời muộn hơn những thương hiệu lớn trong ngành song với xuất phát điểm khá thuận lợi ORS đã không ngừng mạnh dạn đầu tư, phát triển công nghệ, mở rộng hệ thống giao dịch, xây dựng bộ máy nhân sự chuyên nghiệp và vững mạnh, định hướng trở thành công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tốt nhất trên thị trường.
- Mã cổ phiếu: ORS
- Giá cổ phiếu của ORS thời điểm (16/09/2022): 13,900 nghìn đồng/CP
- Giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu ORS ở thời điểm hiện tại: 2,860 tỷ đồng
- Số lượng của phiếu đang lưu hành: 200,000,000 CP
- Chỉ số EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu của năm gần nhất): 1,509 ngàn đồng.
- Chỉ số PE năm 2021: 17.29
- Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE): 13.454 %
- Thu nhập trung bình (ROA): 6.05 %
- Địa chỉ: Tầng 4 và Tầng 7, Tòa nhà Ruby, Số 81-83-85 Hàm Nghi, Phường
- Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Website: http://tpbs.com.vn
- Tầm nhìn của ORS: Trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam với các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
- Lịch sử chi trả cổ tức: ORS chia cổ tức đều đặn từ 2019 đến nay dưới hình thức tiền mặt và cổ phiếu
Giải Thưởng và thành tựu
- Top 2 thị trường môi giới trái phiếu trên HOSE. Giá trị trái phiếu do TPS tư vấn phát hành trong năm 2021 tăng gần 3,4 lần so với năm 2020.
- Tròn năm 2021, TPS vinh dự nhận giải thưởng Faster Growing Investment Bank in 2021 do The Global Economics bình chọn
- TPS tự hào đón nhận giải thưởng quốc tế uy tín từ Global Business Outlook Awards trao tặng là Công ty Chứng khoán hàng Chuyển đổi số sáng tạo nhất Việt Nam năm 2022.
II. Đánh giá hoạt động kinh doanh cổ phiếu ORS
2.1 Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cổ phiếu ORS?
Tiền Phong chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực: Hoạt động tự doanh, hoạt động môi giới chứng khoán, nghiệp vụ lưu ký chứng khoán, hoạt động cho vay và phải thu, hoạt động ngân hàng đầu tư. Năm 2021, không những doanh thu hoạt động tăng trưởng mạnh so với năm trước mà tỷ lệ các cấu phần – doanh thu của Công ty cũng đã có những thay đổi, trở nên cân bằng, mang tính ổn định hơn. Cụ thể trong năm 2021, tình hình kinh doanh của ORS sẽ được phân tích tổng quan như sau:
- Hoạt động ngân hàng đầu tư: Hoạt động tư vấn tài chính tiếp tục có đóng góp quan trọng nổi bật tại TPS năm 2021 chiếm 61% trong cơ cấu doanh thu. Với doanh thu bứt phá lên 624 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 372 tỷ đồng, tăng lần lượt 104% và 147% so với năm 2020. Trong năm, tổng giá trị trái phiếu do TPS đã thực hiện tư vấn phát hành đạt 42.910 tỷ đồng, tăng cao đến 237% so với năm 2020
- Nghiệp vụ lưu ký chứng khoán: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng tư vấn phát hành trái phiếu và môi giới chứng khoán đã thúc đẩy mảng lưu ký đạt kết quả rất tích cực trong năm 2021, đóng góp hơn 17% trong tổng doanh thu hoạt động với doanh thu lưu ký đạt gần 182 tỷ đồng, tăng gấp 6,8 lần so với năm trước, mang lại lợi nhuận hơn 21 tỷ đồng
- Hoạt động môi giới chứng khoán: Nhờ cải thiện mọi mặt và phát triển nguồn lực (vốn, bộ máy nhân sự phát triển hệ thống, đầu tư công nghệ…). Năm 2021, TPS đã phục vụ và đáp ứng nhu cầu đa dạng cho khách hàng cá nhân. Kết quả là hoạt động môi giới chứng khoán về đích thứ ba, chiếm 8% trong cơ cấu doanh thu. Số lượng tài khoản tại TPS tăng trưởng nhanh chóng gần 113%, lên mức 22.842 tài khoản (từ mức 10.734 tài khoản của năm 2020). Tổng giá trị giao dịch ghi nhận 58 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6 lần so với năm trước, mang lại cho Công ty hơn 83 tỷ đồng doanh thu môi giới, tăng 4,5 lần so với năm trước
- Hoạt động cho vay và phải thu: Số lượng khách hàng tăng mạnh, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ theo đó cũng phát triển tốt. Kết thúc năm 2021, quy mô dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ đạt hơn 1.826 tỷ đồng chiếm 8% trong cơ cấu doanh thu. Trong khi con số đầu năm chỉ gần 128 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ là 1.589 tỷ đồng và ứng trước tiền bán là 237 tỷ đồng.
- Hoạt động tự doanh: Dù chỉ mới được cấp phép trở lại vào tháng 3/2020, hoạt động tự doanh của TPS đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ. Tại thời điểm cuối năm 2021, danh mục đầu tư của TPS đã tăng 4,8 lần so với đầu năm, chiếm 46% tổng tài sản, đạt giá trị 2.167 tỷ đồng. Trong đó tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) là 1.821 tỷ đồng và chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) 346 tỷ đồng. Lãi gộp hoạt động tự doanh năm 2021 ghi nhận 63 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với 8 tỷ đồng năm 2020
Có thể thấy hoạt động ngân hàng đầu tư là hoạt động cốt lõi của ORS. Vậy câu hỏi đặt ra có nên đầu tư vào ORS hay không? Để tìm được câu trả lời, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích ngành, đánh giá tài sản, nguồn vốn doanh nghiệp cụ thể hơn nhé.
2.2 Đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh cổ phiếu ORS qua các năm
Năm 2021, Công ty đã hoàn thành vượt hơn 118% kế hoạch doanh thu và vượt gần 50% kế hoạch LNTT đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Cụ thể như sau:
- Doanh thu tăng trưởng liên tục trong giai đoạn từ 2018 – 2021 bất chấp cả dịch bệnh. Cụ thể, tăng từ 20,588 (năm 2018) lên đến 1,346,029 (năm 2021)
- Lợi nhuận gộp của ORS cũng liên tục được cải thiện trong giai đoạn này. Minh chứng là chỉ số lợi nhuận gộp của ORS tăng từ -377,422 (năm 2018) lên đến 564,937 (năm 2021).
- NPM (net profit margin) – biên lợi nhuận ròng: Biên lợi nhuận ròng của mã cổ phiếu ORS đạt mức 19.73% và NPM của các công ty cùng ngành là 49.54%. Điều này cho thấy công ty đang sử dụng các chiến lược và cấu trúc tổ chức hoạt động không hiệu quả bằng các đối thủ cùng ngành
- Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ liên tục tăng mạnh trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể chỉ số này tăng từ -10,662 (2018) lên đến 210,684 (năm 2021). Đây là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ ngày thành lập Công ty.
Nhận xét cá nhân:
Năm 2021 ORS đã gặt hái được nhiều thành công theo tôi là nhờ vào: Thứ nhất, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, cụ thể là hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp đã đạt được những thành công nhất định; hoạt động môi giới và tự doanh tăng trưởng hơn rất nhiều so với năm trước. Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo và đưa ra những quyết sách kịp thời của Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành đã từng bước cải thiện được hoạt động của TPS. Cuối cùng là hệ thống công nghệ được nâng cấp toàn diện, sản phẩm dịch vụ đa dạng và phong phú cho từng khách hàng.
2.3 Đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh cổ phiếu ORS qua 6 tháng đầu năm 2022
Về tình hình kinh doanh, TPS vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh ghi nhận quý thua lỗ đậm nhất lịch sử hoạt động. Cụ thể, trong quý II/2022, công ty báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên TPS báo lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết năm 2019.
Theo báo cáo tài chính, mặc dù doanh thu của TPS tăng 125,8%, đạt gần 662 tỷ đồng, song chi phí tăng đột biến 251,99%, lên 823 tỷ đồng, dẫn tới lỗ sau thuế tới 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 53,7 tỷ đồng.
Giải trình từ phía TPS cho thấy, nguyên nhân chi phí tăng cao chủ yếu là do hoạt động tự doanh bị ảnh hưởng từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng.
TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu niêm yết với giá trị hơn 87 tỷ đồng, trong đó cắt lỗ SSI với giá trị hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong kỳ hơn 367 tỷ đồng.
Lũy kế 2 quý đầu năm 2022, TPS ghi nhận 1.472,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 172%. Lãi trước thuế 118,5 tỷ đồng, giảm 32,5%. Lãi sau thuế 92,4 tỷ đồng, giảm 38,6%.
2.4 Kế hoạch ORS năm 2022
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, TPS đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt 24% chỉ tiêu lợi nhuận.
III. Đánh giá về triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
3.1 Dự đoán ngành chứng khoán trong ngắn hạn (2022)
Thị trường chứng khoán năm 2022 được dự đoán thanh khoản có khả năng chậm lại hoặc không tăng trưởng thêm, gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới của các công ty chứng khoán. Hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn hấp dẫn như năm 2021.
Ngoài ra còn có một số yếu tố tác động đến ngành chứng khoán trong ngắn hạn như lạm phát và lãi suất. Năm 2022 lạm phát và lãi suất tăng so với 2021. Nguên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Nguyên nhân thứ hai là do biến động chính trị chiến tranh hai nước Nga – Ukraine làm cho giá lương thực và giá xăng dầu tăng mạnh. Ngoài ra còn chịu tác động bởi các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch COVID-19 kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
3.2 Dự đoán ngành chứng khoán trong 5 năm tới
Về dài hạn, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 5-10 năm tới, dựa trên những cơ sở sau:
- Dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây nhưng số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.
- Tầng lớp trung lưu và thượng lưu tăng lên khiến tài sản và tiền tích lũy sau mỗi năm ngày càng nhiều trong khi các kênh đầu tư ở Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ và đa dạng như các quốc gia phát triển. Do đó trong tương lai kênh đầu tư chứng khoán là 1 kênh được hưởng lợi khi các dòng tiền tích lũy, hưu trí.
- Xu hướng thoái vốn của Nhà nước vẫn còn tiếp diễn mạnh trong vài năm tới và sẽ tạo ra sự thu hút với dòng tiền lớn quốc tế, tăng khả năng năng hạng thị trường, tạo ra nhiều thương vụ cho các công ty chứng khoán thực hiện và thu phí.
- Công nghệ và các sản phẩm phái sinh phát triển sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành. Cơ chế giao dịch T+0 và bán khống có thể thực hiện vào năm 2022 kỳ vọng giúp cải thiện thanh khoản thị trường
- Môi trường lãi suất thấp do chính sách nới lỏng tiền tệ để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, và việc Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030 cùng với việc cơ cấu, tổ chức lại các Sở Giao dịch chứng khoán để thống nhất thị trường giao dịch chúng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch đáp ứng mục tiêu đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu; điều đó giúp TTCK được sẽ tiếp tục đạt những kỷ lục mới trong dài hạn
- Riêng đối với thị trường trái phiếu Việt Nam – mảng kinh doanh chủ lực của TPS. Chúng tôi đánh giá vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới và quy mô sẽ dần tiệm cận thị trường cổ phiếu nhờ 4 yếu tố chính, gồm:
- Nhiều ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch COVID–19 và cần vốn để hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
- Năng lực đáp ứng vốn trung và dài hạn của Ngân hàng Thương mại chưa đủ và chủ trương chung của các cơ quan chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn ưu tiên kênh huy động vốn trung dài hạn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường cổ phiếu.
- Môi trường lãi suất thấp và kì vọng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới sẽ giúp nhu cầu đầu tư và sở hữu TPDN gia tăng
- Hiện quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, cho thấy còn nhiều dư địa để phát triển
=> Nhận định cá nhân: Đối với góc nhìn của tôi ngành chứng khoán có rất nhiều tiềm năng khi kinh tế phục hồi, các chính sách tích cực từ phía chính phủ và vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Trong năm 2022 có thể nói ngành chứng khoán chững lại bởi chịu tác động của yếu tố lạm phát, lãi suất, chính trị. Nhưng xét dài hạn 5 năm tới thì ngành chứng khoán có tiềm năng tăng trưởng cao. Vậy nên điều quan trọng nhất của nhà đầu tư là chọn những công ty nào có khả năng tăng trưởng và triển khai dự án tốt nhất.
IV. Đánh giá cổ phiếu ORS thông qua bảng cân đối kế toán
4.1 Đánh giá cấu trúc vốn của cổ phiếu ORS
Tỷ lệ D/E (Tỷ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu): Năm 2021, chỉ số này là 15.93%. Nhìn chung, ORS sử dụng đòn bẫy tài chính cao hơn so với các năm để phục vụ tăng trưởng. Mặc dù tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, tuy nhiên kết quả hoạt động kinh doanh của ORS đang có tốc độ tăng trưởng mạnh. Do đó, có thể nhận định công ty này đang sử dụng rất hiệu quả đòn bẩy tài chính để gia tăng phần lợi nhuận của mình.
4.2 Đánh giá về tài sản cổ phiếu ORS
CHỈ TIÊU | 2019 | 2020 | 2021 |
A. TÀI SẢN NGẮN HẠN | 307 | 2,173 | 4,732 |
B. TÀI SẢN DÀI HẠN | 21 | 26 | 32 |
TỔNG TÀI SẢN | 328 | 2,199 | 4,764 |
Tổng tài sản của TPS tăng trưởng 117% trong năm 2021, đạt gần 4.767 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng để huy động vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã thực hiện thành công là hai động lực chính hỗ trợ cho TPS gia tăng quy mô tổng tài sản. Nhờ đó quy mô hoạt động tự doanh và danh mục cho vay ký quỹ được đẩy mạnh, lần lượt đạt 2.167 tỷ đồng và 1.826 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,8 lần và 14 lần so với thời điểm cuối năm 2020.
Ở thời điểm cuối tháng 6/2022 Tổng tài sản của Chứng khoán Tiên Phong gần 6.059 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong nửa đầu năm 2022, ORS đã mua thêm hàng loạt cổ phiếu như BCG, VND, HCM, HNG, NLG, PLX… nhưng hiện đều ghi nhận lỗ do thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục và kéo dài trong quý 2. Quy mô tổng tài sản của Công ty đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 147% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tăng gần 4 lần, lên mức 15.474 tỷ đồng và tài sản tài chính đạt 12.616 tỷ đồng. Danh mục tài sản tài chính bao gồm danh mục cổ phiếu, trái phiếu và các chứng chỉ tiền gửi với cơ cấu tỷ lệ lần lượt là 19%, 35%, 46%; chủ yếu phục vụ cho các hoạt động kinh doanh nguồn vốn và phân phối trên thị trường bán lẻ.
=> Nhận định cá nhân: Với bản chất là một công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Tương tự các công ty khác trong ngành ORS cũng có phần tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng nhiều hơn tài sản dài hạn. Cụ thể năm 2021, tài sản ngắn hạn của ORS tăng lên 4,732 tỷ đồng chiếm 99% tổng tài sản công ty. Còn tài sản dài hạn chỉ chiếm 32 tỷ đồng tương đương 1% trong tổng cơ cấu tài sản.
4.3 Đánh giá về nguồn vốn cổ phiếu ORS
CHỈ TIÊU | 2019 | 2020 | 2021 |
A. NỢ PHẢI TRẢ | 307 | 2,173 | 4,732 |
B. VỐN CHỦ SỞ HỮU | 21 | 26 | 32 |
TỔNG NỢ PHẢI TRẢ & VỐN CHỦ SỞ HỮU | 328 | 2,199 | 4,764 |
ORS đã liên tục tăng quy mô nguồn vốn từ cổ đông cũng như các nguồn vốn huy động từ các định chế tài chính trong và ngoài nước. Có thể thấy, nợ phải trả chiếm tỷ lệ cao nhất 54% tương đương 2,592 trong tổng nguồn vốn, còn vốn chủ sở hữu chiếm 46% tương đương 2,172 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng mạnh từ 2019 sang 2021, tăng từ 56 tỷ lên 2,592 tỷ. Lý do tăng mạnh nằm ở trái phiếu dài hạn 2,000 tỷ (2021) chiếm 77% nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ 2019 sang 2021, tăng từ 271 tỷ (2019) lên 2,172 tỷ (2021). Lý do tăng mạnh là nằm ở vốn đầu tư của chủ sở hữu 2,001 tỷ chiếm 92% vốn chủ sở hữu.
=> Nhận định cá nhân: Việc tăng vốn là nhu cầu cần thiết trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu vay ký quỹ và các sản phẩm, dịch vụ đầu tư khác sẽ tăng tưởng ứng. Với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2022. Tôi tin rằng việc tăng vốn sẽ tiếp tục là động lực mang lại kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2022
4.4 Khả năng thanh toán và trả nợ của cổ phiếu ORS
Dựa vào báo cáo tài chính năm 2021 mà công ty cung cấp, bài viết sẽ đưa ra các thông số tài chính có kết quả chính xác như sau:
- Khả năng thanh toán bằng tiền mặt: giảm so với năm trước từ 4.21 (2020) xuống còn 0.18 (2021). Tiền và các khoản tương đương tiền năm 2021 là 108 tỷ trong khi đó nợ ngắn hạn lên đến 592 tỷ đồng.
- Khả năng toán nhanh: giảm so với năm trước từ 4.21 (2020) xuống còn 0.18 (2021)
- Tỷ số thanh toán hiện hành (current ratio) giảm từ từ 9.13 (năm 2020) lên 7.99 (năm 2021). Tỷ lệ này qua các năm đều lớn hơn 1 cho thấy tài sản ngắn hạn nhiều hơn nợ ngắn hạn thì không quá xấu.
=> Nhận định cá nhân : Khả năng thanh toán hiện hành của ORS ở 3 chỉ số đều giảm. Điều này báo hiệu nhiều rủi ro nên nhà đầu tư cần xem xét khả năng trả nợ của ORS thật kỹ trước khi đầu tư
4.5 Đánh giá tình hình lưu chuyển tiền tệ
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: âm 3,223 tỷ (vào 2021) và có xu hướng âm tăng qua các năm. Đây được xem là một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư. Nếu danh mục đầu tư ORS lao dốc thì sẽ kéo theo lợi nhuận tụt giảm rất nhiều và không đảm bảo được khả năng thanh toán nợ. => khá rủi ro
- Đánh giá dòng tiền từ hoạt động tài chính cổ phiếu ORS: dương 2,347 tỷ (2021) và có xu hướng tăng mạnh qua các năm => nợ tăng đồng thời lợi nhuận của ORS cũng tăng qua 3 năm cho thấy ORS sử dụng nợ hiệu quả.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: âm 18 tỷ năm 2021 và có xu hướng âm qua các năm. Tuy có rủi ro nhưng chỉ số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu dòng tiền của ORS.
Nhận định cá nhân về dòng tiền của ORS: theo góc nhìn của tôi, tình hình lưu chuyển tiền của ORS còn nhiều rủi ro.
V. Đánh giá uy tín của ban lãnh đạo
Chủ tịch hội đồng quản trị – ĐỖ ANH TÚ

- Tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết: 58,640,390 cổ phần tương ứng với 03.71 %.
- Trình độ chuyên môn: Phó Tiến sĩ ngành Máy năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc
- Thành tích: Thống đốc NHNN Việt Nam “Đã có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành nhiệm vụ Ngân hàng năm 2014 – 2015″. Năm 2020, ông Tú đã vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có những thành tích xuất sắc trong triển khai xây dựng, phát triển ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch và hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Năng lực: Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị thương hiệu và marketing, ông Tú đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao vị thế thương hiệu Ngân hàng, giúp TPBank trở nên quen thuộc với đại chúng như ngày nay.
Tổng Giám Đốc – BÙI THỊ THANH TRÀ

- Bà Bùi Thị Thanh Trà, sinh năm 1976, nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Chứng khoán Tiên Phong, là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp như là Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc tại Tổng công ty Mía đường II – CTCP, CTCP Phát triển Nông nghiệp Bình Dương, CTCP Mía đường La Ngà…
- Bà Trà gia nhập và đồng hành cùng TPS ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu (tháng 3/2019) với vai trò là Giám đốc Khối Vận hành. Đến thời điểm được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của TPS, bà Trà đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách chung hoạt động của TPS; trước đó cũng có hơn một năm bà Trà phụ trách mảng Ngân hàng Đầu tư (IB) của TPS với vai trò Giám đốc Khối. Ngày 26/07/2022 bà được bổ nhiệm là Tổng Giám Đốc của Công Ty Chứng Khoán Tiên Phong.
VI. Tổng kết các đánh giá về cổ phiếu ORS
Điểm nổi bật
- Ban điều hành uy tín và có năng lực dẫn dắt công ty hoạt động hiệu quả.
- Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng qua các năm.
- Hoạt động trong ngành chứng khoán có nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn.
- Các khoản cho vay và các khoản cho vay tăng sẽ nhiều tiềm năng sinh lời trong tương lai
- ORS chia cổ tức đều đặn từ 2019 đến nay dưới hình thức tiền mặt và cổ phiếu
Điểm hạn chế
- Chỉ số thanh toán nợ giảm qua các năm rủi ro với doanh nghiệp và cả nhà đầu tư.
- 6 tháng đầu năm môi trường đầu tư giảm kéo theo lợi nhuận giảm.
- Rủi ro về dòng tiền hoạt động kinh doanh vẫn đang âm trong suốt 3 năm.
VI. Nhận định giá cổ phiếu ORS – CTCP Chứng Khoán Tiên Phong
Bài viết sẽ định giá theo kịch bản Khoảng giá phù hợp với giá trị của ORS đối với kịch bản ORS có lợi nhuận biến động, tăng giảm theo chu kỳ. So với thực tế thì giá có thể biến động cao hơn hoặc thấp hơn khoảng định giá gợi ý. Vì vậy, bạn cần xem xét tình hình thực tế những biến đổi của thị trường chứng khoán để có kết quả đầu tư chính xác nhất nhé!
- Trường hợp 1: Mức giá 1: EPS (5 năm gần nhất) * 8 = 1000 * 8
=> Định giá cổ phiếu ORS theo trường hợp 1: 8,000 nghìn đồng/CP
- Trường hợp 2: Giá sổ sách = 10,860
=> Định giá cổ phiếu ORS theo trường hợp 2: 10,860 nghìn đồng/CP
- Trường hợp 3: Giá cao nhất mà cổ phiếu này từng đạt được
=> Định giá cổ phiếu ORS theo trường hợp 3 là: 34,673 nghìn đồng/CP
Lưu ý: Các số liệu này lấy từ 16/09/ 2022, do đó bạn đọc có thể tự điều chỉnh các chỉ số cho phù hợp để có tính ra được kết quả định giá chính xác hơn.
ORS được đánh giá là một trong những cổ phiếu thú vị vì tiềm năng tương lai. Với mức giá ở giai đoạn (ngày 16/09/2022) 13,900 vnd/cp, trên mức giá 1,2 và dưới mức giá 3 thì cần nên xem xét biến động và chọn thời điểm chốt lời hiệu quả. Chúc bạn đầu tư thành công!