CTCP Chứng Khoán Vndirect là một trong những công ty có vị trí bền vững và uy tín trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thuộc TOP 3 Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm tại HOSE. Vậy mã cổ phiếu VND có đáng được đầu tư tại thời điểm 2022 hay không? Hãy cùng Ohmoney đánh giá cổ phiếu VND trong bài viết sau đây bạn nhé!
I. Thông tin tổng quan của mã cổ phiếu VND – CTCP Chứng Khoán Vndirect
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (mã CK: VND) được thành lập vào năm 2006 và hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính. Trải qua hơn 15 năm phát triển, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT là một trong những nhà môi giới chứng khoán uy tín nhất Việt Nam với thị phần luôn nằm trong top 5 và đứng thứ 1 về thị phần môi giới cổ phiếu thị trường UPCOM trên HNX với 9.66%.
- Mã cổ phiếu: VND
- Giá cổ phiếu của VND thời điểm (23/8/2022): 22,650 nghìn đồng/CP
- Giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu VND ở thời điểm hiện tại: 27,583 tỷ đồng
- Số lượng của phiếu đang lưu hành: 1,217,844,009 CP
- Chỉ số EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu của năm gần nhất): 7,673 ngàn đồng.
- Chỉ số PE năm 2021: 10.69
- Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE): 34.94 %
- Thu nhập trung bình (ROA): 9.15 %
- Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Thượng Hiền, Phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Tầm nhìn của VND: Trở thành hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ “tài chính – đầu tư – chứng khoán”
- Lịch sử chi trả cổ tức: VND chia cổ tức đều đặn từ 2020 đến nay dưới hình thức tiền mặt.
Giải Thưởng và thành tựu
- VNDIRECT được vinh danh là một trong 10 Thương hiệu mạnh Ngành Ngân hàng và Dịch vụ tài chính Việt Nam tại sự kiện “Thương hiệu Mạnh Việt Nam” tổ chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
- VNDIRECT cũng nằm trong top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu 2021 do Forbes Việt Nam công bố với mức định giá 17,5 triệu USD, vượt qua nhiều cái tên cùng ngành.
- Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021 theo khảo sát, đánh giá của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo điện tử VietNamNet (Bộ TT&TT) tổ chức.
- Top 3 doanh nghiệp niêm yết được Định chế tài chính và Nhà đầu tư đánh giá cao trong chương trình IR Awards 2021.
- Về thị phần môi giới: TOP 3 Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm tại HOSE với 7,46%
- TOP 2 Thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết tại HNX với 9,86%
- TOP 3 Thị phần môi giới chứng khoán phái sinh với 6,58%

II. Đánh giá hoạt động kinh doanh cổ phiếu VND
2.1 Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cổ phiếu VND?
Vndirect chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực: Hoạt động đầu tư, cho vay ký quỹ, môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành. Năm 2021, không những doanh thu hoạt động tăng trưởng mạnh so với năm trước mà tỷ lệ các cấu phần – doanh thu của Công ty cũng đã có những thay đổi, trở nên cân bằng, mang tính ổn định hơn. Cụ thể trong năm 2021, tình hình kinh doanh của VND sẽ được phân tích tổng quan như sau:
- Hoạt động đầu tư: năm 2021 hoạt động đầu tư VND giảm 13% so với năm 2020. Nhưng nhìn chung qua các năm, hoạt động đầu tư vẫn là lĩnh vực cốt lõi, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của VNdirect.
- Môi giới chứng khoán: đứng ở vị trí thí 2 khi chiếm tỷ trọng 33% tươnh ứng với 1,615 tỷ đồng trong tổng doanh thu năm 2021. Đồng thời, dịch vụ môi giới chứng khoán của VND cũng tăng đều qua các năm, cụ thể năm 2021 tăng 6% so với năm 2020.
- Cho vay ký quỹ: vào tháng 7 năm 2021, VNDIRECT đã tăng vốn điều lệ thành công góp phần bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ. Từ đó, tăng tỷ trọng cho vay ký quỹ của VND lên 4% so với năm 2020 và chiếm 24% trong cơ cấu doanh thu 2021.
- Bảo lãnh phát hành: doanh thu từ hoạt động tư vấn, bảo lãnh phát hành VND tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ, đạt 255 tỷ đồng, đóng góp tương ứng 5% vào cấu doanh thu năm 2021.
Nhận định các nhân: có thể thấy VND phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động đầu tư. Đây là cơ hội đồng thời là thách thức với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nếu thị trường đi lên thì VND hưởng lợi rất nhiều nhưng nếu thị trường đi xuống thì kéo theo doanh thu VND tụt giảm mạnh. Vậy câu hỏi đặt ra có nên đầu tư vào VND hay không? Để tìm được câu trả lời, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích ngành, đánh giá tài sản, nguồn vốn doanh nghiệp cụ thể hơn nhé.
2.2 Đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh cổ phiếu VND qua các năm
- Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng trưởng liên tục trong giai đoạn từ 2018 – 2021 bất chấp cả dịch bệnh. Cụ thể, tăng từ 1,538,489 (năm 2018) lên đến 6,039,233 (năm 2021)
- Lợi nhuận gộp của VND cũng liên tục được cải thiện trong giai đoạn này. Minh chứng là chỉ số lợi nhuận gộp của VND tăng từ 928,266 (năm 2018) lên đến 3,714,563 (năm 2021).
- NPM (net profit margin) – biên lợi nhuận ròng: Biên lợi nhuận ròng của mã cổ phiếu VND đạt mức 49.35% và NPM của các công ty cùng ngành là 49.54%. Điều này cho thấy công ty đang sử dụng các chiến lược và cấu trúc tổ chức hoạt động hiệu quả bằng các đối thủ cùng ngành
- Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ liên tục tăng mạnh trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể chỉ số này tăng từ 373,136 (2018) lên đến 2,382,924 (năm 2021). Đây là kết quả kinh doanh cao nhất trong 15 năm kể từ ngày thành lập Công ty.
Tại Đại hội Đồng cổ đông năm 2021, Công ty đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng, tương đương 113% kết quả hoạt động kinh doanh thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, sau 7 tháng, kết quả kinh doanh đạt được những kết quả vượt bậc, trong đó Lợi nhuận trước thuế đạt 1.320 tỷ đồng, vượt kế hoạch đã được đặt ra. Chính vì vậy, Đại hội cổ đông đã thông qua tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 2.000 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận sau thuế là 1.600 tỷ đồng, điều chỉnh tăng 82% từ mức kế hoạch ban đầu.
2.3 Kế hoạch VND năm 2022
Với đà tăng trưởng 2021, năm 2022 VNDIRECT tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng quy mô thông qua việc tăng vốn chủ sở hữu lên mức hơn 12 nghìn tỷ trong quý 1 và có thể tiếp tục tăng lên trong giai đoạn cuối năm nhằm kịp thời nắm bắt các cơ hội từ thị trường. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục nâng cao năng lực huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô dự kiến từ 200 đến 300 triệu USD bên cạnh việc tiếp tục mở rộng năng lực huy động vốn từ các định chế tài chính trong nước.
Về quy mô tài sản, công ty dự kiến tăng trưởng tổng tài sản lên trên 50 nghìn tỷ đồng thông các các hoạt động kinh doanh trên thị trường tiền tê, hoạt động kinh doanh trái phiếu, hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động phát hành chứng quyền. Việc xây dựng năng lực kinh doanh dựa trên hoạt động quản lý bảng cân đối giúp công ty kỳ vọng duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 22% trong năm 2022, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.605 tỷ.
Nhận định cá nhân: Với những thành công và tăng trưởng đột phá bất chấp khó khăn dịch bệnh. Lợi nhuận sau thuế của VND 2021 đạt cao nhất trong 15 năm kể từ ngày thành lập Công ty. Cùng với những triển vọng tăng vốn đầu tư và tăng quy mô tài sản năm ở năm tới. Ohmoney dự đoán tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu VND sẽ có xu hướng tiếp tục gia tăng trong năm 2022. Ước tính tốc độ tăng trưởng sẽ đạt giá trị khoảng 32%.
III. Đánh giá về triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
3.1. Mô tả về ngành chứng khoán Việt Nam
Chứng khoán là một ngành có chu kỳ kinh doanh biến động mạnh, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng diễn biến khá nhạy cảm, biên độ rất cao, bất kể đó là công ty chứng khoán lớn có thị phần ổn định trên top đầu thị trường. Thị trường chứng khoán có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế, giúp tăng trưởng kinh tế và là nguồn huy động vốn. Thị trường chứng khoán chính là nguồn huy động vốn cho nền kinh tế phát triển, huy động vốn cho các công ty hoạt động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khi mọi người đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ giúp đa dạng hóa các nguồn vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, giúp tăng trưởng kinh tế một cách mạnh mẽ, vững mạnh hơn. Vì vậy, tính về dài hạn ngành chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh.
3.2 Dự đoán ngành chứng khoán trong ngắn hạn (2022)
Thị trường chứng khoán năm 2022 được dự đoán thanh khoản có khả năng chậm lại hoặc không tăng trưởng thêm, gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới của các công ty chứng khoán. Hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn hấp dẫn như năm 2021.
Ngoài ra còn có một số yếu tố tác động đến ngành chứng khoán trong ngắn hạn như lạm phát và lãi suất. Năm 2022 lạm phát và lãi suất tăng so với 2021. Nguên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Nguyên nhân thứ hai là do biến động chính trị chiến tranh hai nước Nga – Ukraine làm cho giá lương thực và giá xăng dầu tăng mạnh. Ngoài ra còn chịu tác động bởi các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch COVID-19 kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
3.3 Dự đoán ngành chứng khoán trong 5 năm tới
Thị trường mới đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ. Lý giải điều này là lĩnh vực quỹ mở của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, quỹ hưu trí doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu được giới thiệu và thực tế là các sản phẩm phái sinh cũng chỉ mới được giới thiệu tại thị trường trong nước (loại hình đầu tư này dành cho nhà đầu tư trong nước vẫn còn sơ khai). Ngoài ra còn có một số yếu tố tác động đến ngành chứng khoán trong dài hạn, cụ thể như:
- Thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng, lượng người tham gia vào thị trường chứng khoán theo đó sẽ tăng lên rất mạnh trong 3 năm tới.
- Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Và con số này tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986. Trong khi Việt Nam đang áp dụng “Mô hình phát triển Đông Á”, mô hình mà Đài Loan và các “Con hổ châu Á” đã từng áp dụng để phát triển thịnh vượng. Theo đó, thị trường chứng khoán của những “Con hổ châu Á” này tăng trưởng thần tốc cùng với sự phát triển kinh tế quốc gia.
- Sau đại dịch Covid Chính phủ quyết tâm phục hồi kinh tế, thực hiện các cải cách (siết chặt công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK) để thị trường vốn để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
- Các doanh nghiệp Việt Nam đang có thêm cơ hội tiếp cận vốn rẻ. Lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK.
- Thị trường cũng dần làm quen với các công cụ đầu tư tài chính an toàn, thay cho sự lựa chọn tiền gửi tiết kiệm. Công nghệ cũng cho phép các công ty mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng với chi phí thấp hơn nhiều sơ với trước đây.
Nhận định cá nhân: Đối với góc nhìn của tôi ngành chứng khoán có rất nhiều tiềm năng khi kinh tế phục hồi, các chính sách tích cực từ phía chính phủ và vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Trong năm 2022 có thể nói ngành chứng khoán chững lại bởi chịu tác động của yếu tố lạm phát, lãi suất, chính trị. Nhưng xét dài hạn 5 năm tới thì ngành chứng khoán biến có tiềm năng tăng trưởng cao. Vậy nên điều quan trọng nhất của nhà đầu tư là chọn những công ty nào có khả năng tăng trưởng và triển khai dự án tốt nhất.
Nguồn thông tin:
https://laodong.vn/kinh-doanh/nam-2022-nen-dau-tu-vao-co-phieu-nhung-nganh-nao-988780.ldo https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/tiem-nang-thi-truong-chung-khoan-nhin-ve-dai-han-20210817181658149.htm
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM220791
IV. Đánh giá cổ phiếu VND thông qua bảng cân đối kế toán
4.1 Đánh giá cấu trúc vốn của cổ phiếu VND
Tỷ lệ D/E (Tỷ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu): Năm 2021, chỉ số này là 208.18. Nhìn chung, VND sử dụng đòn bẫy tài chính khá lớn để phục vụ tăng trưởng. Mặc dù tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, tuy nhiên kết quả hoạt động kinh doanh của VND đang có tốc độ tăng trưởng mạnh. Do đó, có thể nhận định công ty này đang sử dụng rất hiệu quả đòn bẩy tài chính để gia tăng phần lợi nhuận của mình.
4.2 Đánh giá về tài sản cổ phiếu VND
Năm 2021, Tổng tài sản công ty đạt mức 37,095 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu đạt 9,822 tỷ đồng. Sức mạnh của bảng cân đối là tiền đề giúp VNDIRECT củng cố vị thế của môt định chế trung gian hàng đầu trong vai trò kết nối và dẫn dắt nguồn vốn trên thị trường vốn Việt Nam. Quy mô tổng tài sản của Công ty đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 147% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tăng gần 4 lần, lên mức 15.474 tỷ đồng và tài sản tài chính đạt 12.616 tỷ đồng. Danh mục tài sản tài chính bao gồm danh mục cổ phiếu, trái phiếu và các chứng chỉ tiền gửi với cơ cấu tỷ lệ lần lượt là 19%, 35%, 46%; chủ yếu phục vụ cho các hoạt động kinh doanh nguồn vốn và phân phối trên thị trường bán lẻ.
=> Nhận định cá nhân: Với bản chất là một công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Tương tự các công ty khác trong ngành VND cũng có phần tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng nhiều hơn tài sản dài hạn. Cụ thể năm 2021, tài sản ngắn hạn của VND tăng lên gần 36,628 tỷ đồng chiếm 98% tổng tài sản công ty. Còn tài sản dài hạn chỉ chiếm 467 tỷ đồng tương đương 2% trong tổng cơ cấu tài sản.
4.3 Đánh giá về nguồn vốn cổ phiếu VND
VNDIRECT đã liên tục tăng quy mô nguồn vốn từ cổ đông cũng như các nguồn vốn huy động từ các định chế tài chính trong và ngoài nước. Trong đó, 2 giao dịch huy động vốn quốc tế với quy mô 200 triệu USD đã giúp công ty bắt đầu khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường vốn quốc tế. Trong năm 2021, Công ty đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 4.349 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020, đạt 9.822 tỷ đồng, là một trong những công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất trên thị trường.
Nợ phải trả tăng mạnh từ 2019 sang 2021, tăng từ 8,329 tỷ lên 27,272 tỷ. Lý do tăng mạnh nằm ở khoản vay ngắn hạn 20,449 tỷ (2021) chiếm 75% nợ phải trả và tăng từ 6,554 tỷ (2019) lên 20,449 tỷ (2021).
Vốn chủ sở hữu tăng đều từ 2019 sang 2021, tăng từ 3,249 tỷ (2019) lên 9,822 tỷ (2021). Lý do tăng mạnh là nằm ở vốn đầu tư của chủ sở hữu 5,853 tỷ chiếm 60% vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, nợ phải trả chiếm tỷ lệ cao nhất 74% tương đương 27,272 trong tổng nguồn vốn, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 26% tương đương 9,822 tỷ đồng.
4.4 Khả năng thanh toán và trả nợ của cổ phiếu VND
Dựa vào báo cáo tài chính năm 2021 mà công ty cung cấp, bài viết sẽ đưa ra các thông số tài chính có kết quả chính xác như sau:
- Khả năng thanh toán bằng tiền mặt: giảm so với năm trước từ 0.9 (2020) xuống còn 0.01 (2021). Tiền và các khoản tương đương tiền năm 2021 là 2,702 tỷ trong khi đó nợ ngắn hạn lên đến 26,361 tỷ đồng.
- Khả năng toán nhanh: giảm so với năm trước từ 0.9 (2020) xuống còn 0.01 (2021)
- Tỷ số thanh toán hiện hành (current ratio) tăng từ 1,2 (năm 2020) lên 1,3 (năm 2021). Tỷ lệ này qua các năm đều lớn hơn 1 cho thấy tài sản ngắn hạn nhiều hơn nợ ngắn hạn thì không quá xấu.
Nhận định cá nhân : Khả năng thanh toán hiện hành của VND ở mức ổn khi chúng lớn hơn 1. Tuy nhiên 2 chỉ số còn lại có xu hướng giảm, mức độ thanh khoản thấp khi các khoản nợ ngắn hạn đến cùng một lúc. Nếu chỉ số này tiếp tục giảm thì khá rủi ro nên đây là nhà đầu tư cũng cần xem xét.
4.5 Đánh giá tình hình lưu chuyển tiền tệ
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: âm -13,359 tỷ (vào 2021) và có xu hướng âm tăng qua các năm. Chúng ta có thể thấy, VND phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động đầu tư. Và đây được xem là một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư. Nếu danh mục đầu tư VND lao dốc thì sẽ kéo theo lợi nhuận tụt giảm rất nhiều và không đảm bảo được khả năng thanh toán nợ. => khá rủi ro
- Đánh giá dòng tiền từ hoạt động tài chính cổ phiếu VND: dương 15,127 tỷ (2021) và có xu hướng tăng mạnh qua các năm => nợ tăng đồng thời lợi nhuận của VND cũng tăng qua 3 năm cho thấy VND sử dụng nợ hiệu quả.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: âm 40 tỷ năm 2021 và có xu hướng âm qua các năm. Tuy có rủi ro nhưng chỉ số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu dòng tiền của VND.
Nhận định cá nhân về dòng tiền của VND: theo góc nhìn của tôi, tình hình lưu chuyển tiền của VND còn nhiều rủi ro.
V. Đánh giá uy tín của ban lãnh đạo
Chủ tịch hội đồng quản trị – PHẠM MINH HƯƠNG

Tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết: 12.828.918 cổ phần tương ứng với 2,95%.
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ hệ thống thông tin Đại học Bách khoa Kiev – Liên xô (cũ)
Quá trình công tác:
- 2010 – nay: Chủ tịch HĐQT – Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT
- 2006 – 2010: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc – Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT
- 2003 – 2005: Tổng giám đốc – Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn SSI
- 1995 – 2002: Giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính – Ngân hàng Citibank
- 1993 – 1994: Chuyên gia đào tạo – Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông
Năng lực: Không chỉ là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, Phạm Minh Hương còn là một nhà lãnh đạo quản trị doanh nghiệp hiện đại và là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính – ngân hàng. Dưới sự lãnh đạo của Bà, VNDIRECT thực sự đã được thử thách qua khá nhiều những thăng trầm kinh doanh của một thị trường non trẻ như Việt Nam. Bà cũng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và là người tiên phong trong việc đưa sản phẩm mới tới thị trường.
Tổng Giám Đốc – NGUYỄN VŨ LONG

Tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết: 93 cổ phiếu tương ứng với 0,00002%
Trình độ chuyên môn: Nguyễn Vũ Long tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học New South Wales chuyên ngành Kinh tế và đã có hơn 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư – tài chính.
Uy tín: Ông Long đã gắn bó với VNDIRECT trong 6 năm và trải qua nhiều vị trí quan trọng của công ty như Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ, Giám đốc Nguồn Vốn. Đồng hành với VNIRECT trong suốt thời gian qua, ông đã và đang đóng góp không nhỏ trong những bước tiến phát triển vượt bậc của công ty và trở thành một trong những lãnh đạo trẻ tiêu biểu trong những năm gần đây.
VI. Tổng kết các đánh giá về cổ phiếu VND
Điểm nổi bật
- Ban điều hành uy tín và có năng lực dẫn dắt công ty hoạt động hiệu quả.
- Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng qua các năm.
- Hoạt động trong ngành chứng khoán có nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn.
- Các khoản cho vay và các khoản cho vay tăng sẽ nhiều tiềm năng sinh lời trong tương lai
- VND chia cổ tức đều đặn từ 2020 đến nay dưới hình thức tiền mặt.
Điểm hạn chế
- Chỉ số thanh toán nợ giảm, VND chưa đảo bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả.
- Doanh thu hiện tại đến từ hoạt động đầu tư tài chính, chưa đảm bảo được hiệu quả trong quá trình kinh doanh.
- Rủi ro về dòng tiền hoạt động kinh doanh vẫn đang âm trong suốt 3 năm.
VI. Nhận định giá cổ phiếu VND – CTCP Chứng Khoán Vndirect
Bài viết sẽ định giá theo kịch bản Khoảng giá phù hợp với giá trị của VND đối với kịch bản VND có lợi nhuận biến động, tăng giảm theo chu kỳ. So với thực tế thì giá có thể biến động cao hơn hoặc thấp hơn khoảng định giá gợi ý. Vì vậy, bạn cần xem xét tình hình thực tế những biến đổi của thị trường chứng khoán để có kết quả đầu tư chính xác nhất nhé!
- Trường hợp 1: Mức giá 1: EPS (5 năm gần nhất) * 8 = 3,586 * 8
=> Định giá cổ phiếu VND theo trường hợp 1: 28,690 nghìn đồng/CP
- Trường hợp 2: Giá sổ sách = 22,538
=> Định giá cổ phiếu VND theo trường hợp 2: 22,538 nghìn đồng/CP
- Trường hợp 3: Giá cao nhất mà cổ phiếu này từng đạt được
=> Định giá cổ phiếu VND theo trường hợp 3 là: 36,186 nghìn đồng/CP
Lưu ý: Các số liệu này lấy từ 23/ 8/ 2022, do đó bạn đọc có thể tự điều chỉnh các chỉ số cho phù hợp để có tính ra được kết quả định giá chính xác hơn.
VND được đánh giá là một trong những cổ phiếu thú vị vì tiềm năng tương lai. Với mức giá ở giai đoạn (ngày 23/08/2022) 33,875 vnd/cp, trên mức giá 1,2 và dưới mức giá 3 thì cần nên xem xét biến động và chọn thời điểm chốt lời hiệu quả. Chúc bạn đầu tư thành công!