Giá vốn bán hàng là một trong những chỉ số tài chính quan trọng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp. Bởi lẽ, quản lý được chỉ số này sẽ giúp cho doanh tối ưu hóa được phần lợi nhuận của mình. Đồng thời, mở ra nhiều con đường phát triển mới trong lĩnh vực kinh doanh. Vậy, giá vốn hàng bán là gì? Quy tắc ghi nhận giá vốn hàng bán trong báo cáo tài chính được trình bày ra sao? Cùng tham khảo qua nội dung của bài viết dưới đây nhé!
Khái niệm về giá vốn bán hàng?
Giá vốn bán hàng có tên gọi tiếng anh trong báo cáo tài chính là Cost of Goods Sold – COGS. Đây là chỉ số thể hiện giá trị vốn của hàng hóa đã tiêu thụ trong một khoảng thời gian cụ thể (thường trong một kỳ).
Bên cạnh đó, giá vốn bán hàng còn phản ánh các chi phí có liên quan trong quá trình tạo ra một sản phẩm mới như: chi phí sản xuất hàng hóa, chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, thuế,…Tuy nhiên, đối với từng doanh nghiệp khác nhau thì sẽ có nhiều loại định nghĩa khác nhau về chỉ số tài chính này. Cụ thể:
- Đối với công ty thương mại: Giá vốn bán hàng được định nghĩa là tổng các chi phí từ thời điểm mua hàng hóa đến lúc nó có mặt tại kho của công ty.
- Đối với công ty sản xuất: Chi phí cấu thành nên tổng giá vốn sẽ nhiều hơn khi phải tốn thêm một khoản chi phí về nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, giá vốn bán hàng còn thay đổi tùy thuộc vào chuẩn mực kế toán khác nhau mà công ty lựa chọn sử dụng.
Tầm quan trọng của giá vốn bán hàng trong báo cáo tài chính
Giá vốn được xem là chỉ số quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi, kiểm soát được nguồn vốn sẽ tạo ra một tiền để chủ doanh nghiệp có thể định giá được sản phẩm mà mình đã tạo nên. Đồng thời là cơ sở để tính lợi nhuận gộp và thể hiện giá trị hàng hóa tại thời điểm nhập kho trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với lượng hàng hóa và loại sản phẩm đa dạng, hạch toán chính xác giá vốn sẽ giúp bạn có thể quản lý chi phí của hàng một cách chính xác và cụ thể nhất. Và công thức để xác định được chỉ số tài chính này đó là:
COGS = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Hàng mua trong kỳ – Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ
Trong đó:
- Hàng tồn kho đầu kỳ: Là hàng hóa chưa bán được và còn lại trong kho của năm trước.
- Hàng mua trong kỳ: Là các khoản chi phí mua hàng hóa bổ sung trong kỳ kinh doanh.
- Hàng tồn kho cuối kỳ: Là chi phí của hàng hóa không bán được. Chi phí này sẽ được trừ vào tổng hàng tồn kho đầu năm và các khoản mua bổ sung.
Quy tắc ghi nhận giá vốn hàng bán trong báo cáo tài chính
Nguyên tắc ghi nhận
Đối với các chỉ số là khoản chi phí trong báo cáo tài chính nói chung và giá vốn bán hàng nói riêng đều có chung nguyên tắc hạch toán cơ bản sau đây:
- Chi phí là những khoản tiền bỏ ra làm giảm lợi ích kinh tế. Được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng chắc chắn phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa.
- Việc ghi nhận các khoản chi phí sẽ được diễn ra ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán nhưng cần đảm bảo nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Đồng thời, chi phí và khoản doanh thu được tạo ra phải được ghi nhận theo nguyên tắc phù hợp.
- Mỗi doanh nghiệp chỉ có thể áp dụng một cách nhất quán một trong hai phương pháp kế toán hàng tồn kho: Kê khai thường xuyên hoặc kiểm kê định kỳ.
- Kế toán phải theo dõi chi tiết các khoản chi phí phát sinh theo yếu tố, tiền lương, nguyên vật liệu, chi phí mua ngoài, khấu hao tài sản cố định…
- Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán sẽ không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
- Các tài khoản phản ánh chi phí không có số dư, cuối kỳ kế toán phải kết chuyển tất cả các khoản chi phí phát sinh trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh.
Nội dung và kết cấu ghi nhận
Bên Nợ:
– Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phản ánh:
- Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ.
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ.
- Các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra.
- Chi phí xây dựng, tự chế TSCĐ vượt trên mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng, tự chế hoàn thành.
- Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập năm nay lớn hơn số dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết)
– Đối với hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư, phản ánh:
- Số khấu hao BĐS đầu tư dùng để cho thuê hoạt động trích trong kỳ.
- Chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo BĐS đầu tư không đủ điều kiện tính vào nguyên giá BĐS đầu tư.
- Chi phí phát sinh từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động BĐS đầu tư trong kỳ.
- Giá trị còn lại của BĐS đầu tư bán, thanh lý trong kỳ.
- Chi phí của nghiệp vụ bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ.
- Chi phí trích trước đối với hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
- Kết chuyển toàn bộ chi phí kinh doanh BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ để xác định kết quả hoạt động kinh doanh.
- Khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã lập năm trước).
- Khoản hoàn nhập chi phí trích trước đối với hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán nhận được sau khi hàng mua đã tiêu thụ.
- Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua. Do vậy, khi xuất bán hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ được hoàn lại các khoản thuế đó.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
Bên trên là toàn bộ nội dung của bài viết giá vốn hàng bán là gì? Quy tắc ghi nhận giá vốn hàng bán trong báo cáo tài chính mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn năm bắt được các quy tắc hạch toán và khái niệm cúng như tầm quan trọng của chỉ số trong báo cáo tài chính này. Cảm ơn đã đọc bài viết và chúc bạn thật nhiều may mắn trong cuộc sống!