Bài 2: Hướng Dẫn Cách Đọc Báo Cáo Tài Chính Và Đánh Giá Tổng Quan Doanh Nghiệp

Để học cách đọc báo cáo tài chính, phân tích và đánh giá một doanh nghiệp đúng cách, thì kỹ năng đầu tiên không hẳn là tìm thông tin mà là “KỸ NĂNG ĐẶT CÂU HỎI”. Đặt đúng câu hỏi, bạn sẽ tìm được câu trả lời.

Vậy thì để hiểu doanh nghiệp bạn cần phải đi tìm những thông tin nào?

Trong phần 1 này mình sẽ hướng dẫn các thông tin cần phải tìm hiểu và cho biết có thông tin đó để làm gì.

Đến phần 2 , mình sẽ hướng dẫn cách thực hành trả lời các câu hỏi, làm mẫu cho các bạn 1 bản đánh giá cổ phiếu

(tất cả dưới đây vẫn chưa hoàn toàn đủ 100%, nhưng với nhà đầu tư cá nhân thì tìm được các thông tin bên dưới là cũng ổn áp lắm rồi)

cách đọc báo cáo tài chính để đánh giá doanh nghiệp

————————————–

CÓ 3 NHÓM THÔNG TIN LỚN TRONG GIAI ĐOẠN TÌM HIỂU CỔ PHIẾU

NHÓM 1: TÌM HIỂU VỀ TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP

– Nhóm thông tin này sẽ cho bạn hiểu tổng quan về doanh nghiệp, cho bạn những nhận định đầu tiên về doanh nghiệp này có hấp dẫn hay không, có đáng để tìm hiểu tiếp hay không. Sẽ có nhiều dấu hiệu của một doanh nghiệp tốt hiện ra trong phần này và có nhiều dấu hiệu của 1 cổ phiếu dỏm để bạn tránh luôn cho nhanh.

NHÓM 2: TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ NGÀNH NGHỀ

– Mỗi ngành nghề có cách thức hoạt động khác nhau, muốn đánh giá được doanh nghiệp mình có thực sự tốt hay không, có tương lai sáng lạn hay không bạn phải hiểu được ngành nghề công ty đó kinh doanh có đặc điểm gì, có lợi thế gì từ chính sách, có những nguy cơ gì có thể xảy ra trong tương lai.

NHÓM 3: TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ NỘI LỰC DOANH NGHIỆP

– Đây là bước chứng thực các nghi vấn của bạn trong những phần tìm hiểu trên. Mọi thứ đều sẽ được thể hiện bằng con số. Đọc hiểu BCTC và các biên bản họp đại hội cổ đông sẽ giúp bạn nhìn ra được các điểm bất thường mà các bố làm tài chính sẽ muốn che giấu. Và từ đó để làm mọi cơ sở cho phần quan trọng nhất, quyết định thành bại của 1 cuộc đầu tư: ĐỊNH GIÁ CÔNG TY ( ở Bài 3)

Bài này khá dài đấy, cứ từ từ mà đọc nhé. Let’s go

————————————–

NHÓM 1: TÌM HIỂU VỀ TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP

1. Mã cổ phiếu: mã cổ phiếu thì phải biết đầu tiên rồi, không biết thì làm sao mà mua.

2. Tên doanh nghiệp: rất nhiều nguồn thông tin khi đề cập đến doanh nghiệp sẽ không gọi bằng mã cổ phiếu mà sẽ gọi bằng tên. Cho nên phải biết tên đầy đủ để có ai kêu mà còn biết “DẠ”.

3. Tuổi doanh nghiệp: biết công ty này thành lập hồi nào, sống được bao lâu rồi. Những công ty sống trên 10-15 năm thì hẳn cũng đã trưởng thành và có sức sống khá tốt. Những công ty vừa sống lâu mà vừa liên tục tăng trưởng thì hẳn là đáng dc quan tâm.

4. Trụ ở chính ở đâu? Các chi nhánh?

Để nắm được đây là doanh nghiệp hoạt động trong địa phương hay là doanh nghiệp hoạt động cả nước.

5. Website thông tin chính thức của công ty: tất cả các thông tin chính thống đều sẽ được đăng tải lên website công ty. Kể cả các thông tin mới nhất như BCTC đều sẽ được đăng lên đây trước. Nói chung là nên vào website của nhà người ta xem coi nó ghi cái gì. Vào lướt 1 hồi là cũng có thêm mường tượng về thông tin.

6. Vốn hóa to hay nhỏ: để biết được độ lớn của doanh nghiệp.

Lớn (Large Cap): Vốn hóa thị trường > 10.000 tỷ VNĐ

Trung bình (Mid Cap): 1.000 tỷ VNĐ < vốn hóa thị trường < 10.000 tỷVNĐ

Nhỏ (Small Cap): 100 tỷ VNĐ < vốn hóa thị trường < 1.000 tỷ VNĐ

Siêu nhỏ (Micro Cap): Vốn hóa thị trường < 100 tỷ VNĐ

Những doanh nghiệp Siêu nhỏ và nhỏ, giá cổ phiếu đa phần vẫn còn rẻ, thường sẽ có sự rủi ro cao hơn nhưng cũng có thể tăng trưởng đột biến. Đem lại lợi nhuận rất lớn trong thời gian ngắn

Những doanh nghiệp trung bình, độ an toàn cao và đa số là đang tăng trưởng

Những doanh nghiệp lớn, đa số là các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp quốc gia. Các doanh nghiệp này tương đối an toàn và là sự lựa chọn cho các quỹ lớn, các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng các cổ phiếu của doanh nghiệp lớn có giá tương đối đắt.

7. Giá cổ phiếu hiện tại đang là bao nhiêu? giá mà thị trường đang giao dịch cổ phiếu này

8. EPS trong 4 quý gần nhất và trong 5 năm gần nhất của cổ phiếu: để biết được mỗi 1 cổ phiếu đem về lợi nhuận bao nhiêu. EPS càng lớn bạn càng nhận được nhiều tiền cổ tức. Khi nhìn vào lịch sử tăng trưởng EPS trong vòng 10 năm, bạn cũng mường tượng ra được công ty này đang tăng trưởng hay suy thoái. Nói chung thấy một cổ phiếu có EPS càng lớn càng tốt và phải là EPS tăng dần qua các năm chứ không phải lúc lên lúc xuống hoặc tăng đột biến trong 1 năm.

9. PE cao hay thấp: thông tin này dùng để đánh giá cổ phiếu đang mắc hay rẻ. Mình thường hay chọn các cổ phiếu có PE < 12. Có lúc khắt khe hơn thì <10. Hiện tại PE chung của thị trường Việt Nam đang ở trong khoảng 15-17 lần. Do đó, nếu doanh nghiệp nào có PE mà cao hơn 15 thì xem là cao còn dưới 10 thì được xem là thấp, còn trong khoảng 11-14 là tạm ổn.

10. ROE cao hay thấp: thể hiện được khả năng làm ăn, sinh lời của công ty. Thông thường, ROE > 10% là tạm được, > 20% là tốt và > 30% là siêu tốt.

11. Lịch sử chi trả lợi nhuận của công ty qua các năm gần đây như thế nào: các công ty tốt, làm ăn đàng hoàng đều sẽ chia lợi nhuận đều đặn cho các nhà đầu tư. Có thể chia lợi nhuận bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu tùy vào giai đoạn phát triển của công ty.

Nếu đang trong giai đoạn phát triển, công ty đang cần tiền mặt để kinh doanh thì họ sẽ ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc 1 phần tiền mặt, 1 phần cổ phiếu

Còn công ty làm ăn kinh doanh có lời mà chả ói ra đồng nào cho nhà đầu tư cả thì né nó ra nhé.

Nói chung, thấy công ty nào EPS tăng trưởng đều đặn, cổ tức chia cho cổ đông đều đặn mỗi năm chứng tỏ công ty đang ăn nên làm ra. Rất đáng để đầu tư những công ty như vậy.

12. Nguồn doanh thu, lợi nhuận đến từ đâu:

Nhiều công ty, tập đoàn hoạt động đa ngành nên bạn cần phải tìm hiểu doanh thu và lợi nhuận của nó đến từ ngành hoạt động kinh doanh nào, ngành nghề nào. Từ đó mới đánh giá được các nguồn doanh thu, lợi nhuận này có bền vững không, có tăng trưởng được hay không? Hay là công ty có năm nào đó, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng thật ra là do họ bán bớt tài sản công ty chứ không phải họ làm ăn, kinh doanh.

13. Kết quả kinh doanh trong 5 năm gần nhất có xu hướng tăng hay giảm: xem biểu đồ doanh thu và lợi nhuận trong 5 năm qua, nếu là biểu đồ tăng thì công ty đang tăng trưởng. Đáng quan tâm. Còn công ty doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm thì nên tránh ra.

14. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là gì: ngành nghề đem về doanh thu, lợi nhuận lớn nhất cho công ty là ngành nào. Sau đó chúng ta sẽ đi tìm hiểu về ngành nghề cốt lõi của công ty ở phần bên dưới.

15. Đứng top mấy trong ngành?

Những công ty đầu ngành sẽ có nhiều lợi thế hơn, khả năng phát triển cũng cao hơn, ít rủi hơn hơn các công ty nhỏ, thị phần nhỏ.

16. Các tin tức truyền thông về cty:

Tìm thêm các công tin của truyền thông hay người khác nói gì, đánh giá gì về doanh nghiệp này để có thêm những thông tin và góc nhìn khác. Tất nhiên không phải tin liền mà để từ từ kiểm chứng.

NHÓM 2: TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ NGÀNH, NHÓM NGÀNH

1. Mô tả mô về ngành: để hiểu về cách thức kinh doanh và tạo ra lợi nhuận trong lĩnh vực này là như thế nào.

2. Ngành kinh doanh này đang trong giai đoạn nào?

– Công ty tốt trong ngành nghề đang tăng trưởng sẽ giúp công ty tăng nhanh hơn. Còn công ty tốt trong ngành nghề đã bão hòa thì công ty sẽ còn rất ít tiềm năng để gia tăng. Cùng lắm là giữ ổn định để tích lũy tiền.

– Ví dụ: nếu bạn đầu tư vào ngành đường sắt ở Việt Nam vào giai đoạn hiện tại, thì rất khó để kiếm lời.

Mình sẽ nói kỹ hơn về các ngành và chu kì của ngành kinh doanh trong bài 8 nhé. Đây là phần rất quan trọng nên có hẳn bài riêng đó.

3. Ngành kinh doanh này có gì đặc biệt về chính sách dài hạn?

– Đầu tư vào công ty đang hưởng lợi bởi chính sách cũng là một trong những cách đầu tư tốt cho ngắn hạn và trung hạn

4. Ngành này hiện đang có sự kiện gì nổi bật không?

– Mỗi quý bạn đều nên cập nhật những sự kiện nổi bật của ngành để có những quyết định đúng. Nếu có sự kiện nào ảnh hưởng nặng đến các doanh nghiệp trong ngành đó, bạn có thể bán 1 phần và đưa cổ phiếu về trạng thái phòng thủ.

– Ví dụ: ngành xuất khẩu cá của VN mà bị Châu u cấm hoặc siết thuế quá nặng. Thì bạn có thể xem xét từ bỏ ngành đó, chuyển qua đầu tư ngành khác để tránh lúc doanh nghiệp đi xuống vì những sự kiện chung.

5. Tin tức mở rộng về ngành?

– Đọc thêm nhiều tin tức báo chí để càng ngày càng hiểu về ngành nghề. Đây là công việc làm liên tục, không phải tìm hiểu 1 lần là xong. Bạn càng hiểu về ngành kinh doanh thì càng tự tin trong việc nhận biết công ty nào tốt, công ty nào không.

NHÓM 3: TÌM HIỂU VỀ CƠ BẢN CỦA DOANH NGHIỆP BẰNG CÁCH ĐỌC BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Đọc báo cáo tài chính có khó không? Trả lời luôn là đối với ai mới nghe qua lần đầu thì chắc hẳn sẽ nghĩ là rất khó. Nhưng nếu bạn đã được hướng dẫn cụ thể cách làm rồi, thì đọc báo cáo tài chính sẽ là câu chuyện dễ dàng nhất trong hoạt động đầu tư. Vậy bên dưới mình sẽ đi rất từ từ, chỉ cần bạn kiên nhẫn đọc hết là có thể nắm được

1. Hướng dẫn tổng quan cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp:

Trong báo cáo tài chính doanh nghiệp sẽ có 4 phần chính:

Phần 1: Đọc hiểu và phân tích bảng báo cáo kết quả kinh doanh (Income statement):

Phần này dùng để bạn tìm hiểu về hiệu quả hoạt động kinh doanh, cấu trúc doanh thu và chi phí của công ty. Đọc phần này để biết được bộ máy kinh doanh của công ty có tốt không, có tối ưu hơn so với các công ty khác trong cùng lĩnh vực hay không. Từ đó có thể nhìn ra những ưu thế cạnh tranh và dự đoán tương lai.

bao-cao-ket-qua-kinh-doanh

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Revenue): thể hiện doanh thu bán sản phẩm hoặc dịch vụ được ghi nhận trong khoảng thời gian báo cáo. Lưu ý con số này chỉ thể hiện phần doanh thu được phép ghi nhận trong khung thời gian đó chứ không phải là số tiền thực tế doanh nghiệp thu về được.

Giá vốn hàng bán (cost of goods sold): thể hiện chi phí vốn của hàng hóa, sản phẩm hay dịch vụ. Cách ghi nhận giá vốn hàng bán dựa trên chuẩn mực kế toán mà doanh nghiệp áp dụng khi ghi nhận hàng tồn kho.

Lợi nhuận gộp (gross profit): được tính bằng công thức Revenue – Cost of Goods Sold. Lợi nhuận gộp cho phép chúng ta đánh giá lợi nhuận từ mô hình kinh doanh. Thông thường, người phân tích thường sử dụng chỉ số Tỷ Lệ Lợi Nhuận Thuần (Profit Margin) để đánh giá hiệu quả từ mô hình kinh doanh này so với mô hình kinh doanh khác.

Profin Margin = Cross Profit / Revenue

Thông thường, các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững thường có Tỷ lệ lợi nhuận thuần > 20%. Vì những mô hình kinh doanh này có tỷ lệ lợi nhuận cao, doanh nghiệp sẽ an toàn hơn khi nền kinh tế xả ra khủng hoảng. Dù chi phí có tăng mạnh nhưng vì tỷ lệ lợi nhuận cao thì doanh nghiệp cũng sẽ đủ để duy trì hoạt động kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ lợi nhuận thấp, dưới 10% chẳng hạn. thì chỉ cần 1 sự thay đổi về vĩ mô làm tăng giá vốn hoặc giảm doanh thu cũng khiến doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào thua lỗ.

Doanh thu hoạt động tài chính (financial income): là khoản lãi đến từ các hoạt động như cho vay, nhận cổ tức từ công ty con, bán công ty con, lợi nhuận từ các khoản đầu tư, … Đối với các doanh nghiệp bình thường, thì doanh thu từ hoạt động tài chính thường sẽ là các khoản thu nhập không thường xuyên cho nên người phân tích thường loại phần này ra để đánh giá đúng hoạt động của doanh nghiệp.

Chi phí tài chính (Financial Charges): là các loại chi phí hoặc khoản lỗ được tạo ra từ các hoạt động đầu tư tài chính, cho vay và đi vay vốn, chi phí do đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ tỷ giá khi bán ngoại tệ, giao dịch mua chứng khoán và một số khoản chi phí khác.

Chi phí bán hàng (Selling expenses): Chi phí bán hàng bao gồm các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bao gồm các chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa (trừ hoạt động xây lắp), chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển,

Chi phí quản lý doanh nghiệp (General & administration expenses): bao gồm các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp bao gồm các chi phí về lương nhận viên bộ phận quản lý doanh nghiệp (tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp,…); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên quản lý doanh nghiệp,…

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (Net Profit): là phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trừ đi tất cả chi phí ở trên (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường dùng tỷ lệ lợi nhuận thuần (Net Profit Margin) để so sánh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong cùng 1 ngành

Công thức: Net Profit Margin (NPM) = Net profit / Revenue

Lợi nhuận khác: là khoản lợi nhuận đến từ các hoạt động không nằm trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Các khoản lợi nhuận này là không thường xuyên xảy ra, do đó không có ý nghĩa khi đem vào phân tích doanh nghiệp. Ví dụ: lợi nhuận từ bán tài sản công ty, lợi nhuận từ bồi thường thiệt hại, ….

Phần lời/lỗ từ công ty liên kết kinh doanh: phần lời/lỗ đến từ công ty bạn góp vốn kinh doanh sẽ được ghi nhận vào phần này. Lưu ý, công ty liên kết sẽ khác với công ty con. Để được gọi là công ty con thì bạn phải nắm cổ phần chi phối lên đến trên 50%, còn công ty liên kết thì thấp hơn 50%

Tổng lợi nhuận trước thuế (hay còn gọi là EBT: Earning Before Tax): là phần lợi nhuận chưa tính thuế

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp: đây là phần lợi nhuận cuối cùng doanh nghiệp được giữ lại sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (thường là 25% cho các ngành nghề phổ biến và cao hơn đối với các ngành nghề đặc biệt).

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ: là phần lợi nhuận thực sự mà nhà đầu tư bình thường như chúng ta (khi mua cổ phiếu của công ty mẹ) được hưởng. Chỉ số này rất quan trọng, vì nhiều người không hiểu rõ mà toàn lấy Tổng lợi nhuận sau thuế để tính toán dẫn đến định giá sai. Nên nhớ rõ quyền lợi về cổ tức của bạn chỉ được sự dụng trong phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thôi nhé!.

VẬY Ở BẢNG BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH THÌ BẠN CẦN QUAN TÂM VÀ PHÂN TÍCH NHỮNG GÌ?

Xu hướng tăng trưởng của công ty

Đầu tiên là bạn phải nhìn vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thuần qua các năm gần nhất (thường sẽ lấy 3 hoặc 5 năm để theo dõi). Để biết được công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng (doanh thu và lợi nhuận tăng), hay suy thoái (doanh thu và lợi nhuận giảm) hay duy trì ổn định (doanh thu và lợi nhuận không thay đổi khác biệt)

Nhìn vào doanh thu và lợi nhuận cũng để xác định được doanh nghiệp này có ảnh hưởng nhiều bởi tính chu kì hay không. Nếu là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tính chu kì, thì phải lưu ý rất kỹ khi định giá để tránh mua khi doanh nghiệp đang ở đỉnh cao lợi nhuận và đi xuống.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty:

Người phân tích sẽ dựa vào NPM (Net Profit Margin) của công ty so với các doanh nghiệp khác trong ngành để biết được khả năng vận hành của công ty hiện tại đang ở mức nào, hiệu quả hơn hay kém hơn so với mặt bằng chung.

Nguồn gốc của lợi nhuận:

Các nhà đầu tư phải xem kỹ, lợi nhuận sau thuế của công ty đa số đến từ những nguồn nào. Nếu phần lớn là đến thì hoạt động kinh doanh thì tốt, còn nếu lợi nhuận đa số chỉ đến thì hoạt động tài chính hoặc lợi nhuận không thường xuyên (đầu tư, bán tài sản, …) thì phải loại bỏ ra để đánh giá. Vì khi đầu tư vào công ty, chúng ta chỉ nên nhắm vào hoạt động kinh doanh chính của công ty thôi.

Chi phí quản lý doanh nghiệp: phần chi phí này nếu tối ưu được ở mức dưới 10% lợi nhuận thuần thì tốt, còn nếu cao quá thì phải cân nhắc rất nhiều. Vì phần chi phí này rất dễ bị lãnh đạo lợi dụng cho lợi ích cá nhân.

Về cơ bản, các chỉ số mình liệt kê ra là cần soi nhiều nhất. Nếu các bạn là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ còn dùng bảng này để phân tích nhiều thứ hơn. Mình sẽ hướng dẫn thêm cho các bạn trong bài Đọc báo cái tài chính nâng cao nhé!

Phần 2: Đọc hiểu và phân tích bảng cân đối kế toán (Balance sheet):

Phần này dùng để bạn đánh giá nguồn vốn và chất lượng tài sản của công ty. Bạn mua cổ phiếu cũng là mua công ty và mua các tài sản công ty đang nắm giữ. Do đó kiểm tra tài sản công ty đang có là điều quan trọng để định giá công ty.

Trong bảng cân đối kế toán có hai phần chính là Tài Sản (Asset) và Nguồn Vốn (Source of capital)

Tài sản (Asset) = Nợ + Vốn chủ sở hữu (Source of Capital)

Tài sản (Asset) được thể hiện như sau

tài sản ngắn hạn

Nợ và vốn chủ sở hữu được thể hiện như sau

nợ dài hạn

Trong đó, những mục mà bạn cần phải quan tâm nhiều nhất khi đọc bảng Tài Sản và Nợ là

Tiền và các khoản tương đương tiền: số này càng nhiều so với nợ ngắn hạn thì công ty càng dễ dàng thanh toán, sức khỏe tài chính càng tốt. Số liệu này trên báo cáo tài chính khá là tin cậy vì khó làm xào nấu hơn các số liệu khác.

Đầu tư tài chính ngắn hạn: các khoản này thường là tiền gửi có kì hạn nên khả năng thanh khoản khá cao.

Ở hai phần đầu tiên chúng ta sẽ có hệ số quick ratio (hệ số thanh toán nhanh) để đo lường thanh khoản của công ty. Quick ratio càng lớn càng tốt

Quick ratio = (Tiền và các khoản tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn) / Nợ ngắn hạn

Các khoản phải thu ngắn hạn: đây là khoản tiền mà khách hàng hoặc đối tác đang nợ công ty. Khoản tiền này có thể được thu hồi trong tương lai gần (không quá 1 năm). Vẫn có nhiều trường hợp không thu được đầy đủ hoặc bị khách hàng quỵt nợ, do đó các khoản phải thu ngắn hạn là số không đủ để đảm bảo cho khả năng thanh khoản của công ty và số này càng lớn quá cũng không hẳn là tốt. Số liệu này vẫn có thể bị các chuyên gia tài chính trong công ty xào nấu.

Hàng tồn kho: giá trị của nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm. Ở môi trường Việt Nam, thì đây là số liệu dễ thao túng nhất. Vì thực sự rất khó để kiểm tra chính xác giá trị hàng tồn kho hay khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của các công ty, tập đoàn lớn. Đã từng có rất nhiều scandal liên quan đến khai khống giá trị hàng tồn kho để nâng giá trị công ty (ví dụ: gỗ trường thành trong quá khứ).

Trả trước cho người bán ngắn hạn: khoản tiền đã trả trước cho nhà phân phối

Các khoản phải thu khác: Giá trị tài sản thiếu đã phát hiện nhưng chưa xác định nguyên nhân phải chờ xử lí.

Các khoản phải thu dài hạn: bao gồm các khoản đầu tư công ty liên kết, cho vay. Các khoản này cũng cần phải kiểm tra rất kỹ nếu số tăng đột biến. Vì có nhiều trường hợp xào nấu số liệu chỗ này. Cty mẹ chuyển tiền cho các công ty sân sau và khó có khả năng thu hồi.

Tài sản cố định: bao gồm nhà xưởng, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để phục vụ cho việc kinh doanh. Trong mục này bạn nên xem kỹ giá trị khấu hao tài sản cố định để tính toán thời gian tài sản cố định khấu hao hết nhé!

Bất động sản đầu tư: là các bất động sản cho thuê. Mọi người thường hay hiểu lầm ở mục này là quỹ đất khi đọc báo cáo của các công ty bất động sản nhưng không phải đâu nhé. Đối với cty bất động sản, quỹ đất sẽ được tính vào hàng tồn kho.

Lợi thế thương mại: phần này không có giá trị về mặt tài sản cho nên khi ước tính tài sản của công ty mọi người nhớ loại trừ cái này ra nhé.

Nợ ngắn hạn: là các khoản phải trả cho đối tác hoặc nhà cung cấp

Nợ dài hạn: thường là các khoản nợ tài chính, ngân hàng

Vốn chủ sở hữu:

Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – tổng nợ

Ở bảng cân đối kế toán, người phân tích cần dùng các chỉ số trên để đánh giá các vấn đề về sức khỏe tài chính của công ty như sau:

Công ty có thanh khoản cao hay không? (dùng quick ratio)

Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn không? (dùng current ratio)

Giá trị tài sản của công ty là bao nhiêu? (giả sử cty phá sản thì mình lấy dc bao nhiêu tiền)

Phần 3: Bảng lưu chuyển tiền tệ (Cash Flows Statement):

Phần này dùng để bạn nắm được tình hình thu, chi tiền của doanh nghiệp. Từ đó đánh giá được khả năng thanh khoản và hiệu quả trong việc thu tiền. Nhiều công ty có thể làm “ảo thuật” với BCTC, do đó theo dõi về luân chuyển dòng tiền có thể giúp bạn biết được các con số lợi nhuận có đáng tin hay không? Tiền có về công ty hay không? Hay là chỉ lời trên sổ sách.

bảng lưu chuyển tiền tệ

Phần 4: Thuyết minh báo cáo tài chính (Financial statement footnotes):

Phần này sẽ hiển thị chi tiết các mục mà nhà đầu tư quan tâm. Ví dụ như các khoản phải thu, danh mục đầu tư của doanh nghiệp, chi tiết các tài sản đang xây dựng dang dở, …

——————————————–

THỰC HÀNH: ĐÁNH GIÁ CÔNG TY THÔNG QUA THU THẬP THÔNG TIN VÀ CÁCH ĐỌC BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Ở phần 1, mình đã hướng dẫn các thông tin cần phải tìm hiểu và tại sao cần những thông tin đó. Trong phần 2 này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách để lấy các thông tin đó nhé. Mình sẽ chỉ những cách đơn giản nhất để lấy thông tin cơ bản mà ai cũng có thể làm được.

Trong bài này, mình sẽ lấy Cổ phiếu: KSB để làm mẫu cho mọi người

THỰC HÀNH: TÌM HIỂU VỀ TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP

https://finance.vietstock.vn/KSB-ctcp-khoang-san-va-xay…

đọc báo cáo tài chính công ty ksb

1. Mã cổ phiếu: KSB

2. Giá cổ phiếu (ngày 1/8/2021): 24.900

3. EPS (năm 2020): 4,379

4. PE: 5.69 => PE đang ở mức thấp

5. ROE: 22% => ROE trên 20% là doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả – tốt

6. Tên doanh nghiệp: CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương

7. Tuổi doanh nghiệp: 28 năm => doanh nghiệp có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn mà vẫn phát trụ vững

8. Trụ ở chính và chi nhánh: Bình Dương => một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đóng góp GDP top đầu Việt Nam

9. Website thông tin chính thức: http://bimico.com.vn/

10. Vốn hóa: 1,825 tỷ => doanh nghiệp ở nhóm Mid Cap

11. Lịch sử chi trả lợi nhuận

– Cổ tức chi trả đều đặn mỗi năm, trung bình từ 15-20% bằng tiền mặt và cổ phiếu => công ty làm ăn uy tín, tạo ra tiền thật và lợi nhuận cho cổ đông

12. Kết quả kinh doanh trong 5 năm gần nhất

– Doanh thu luôn tăng

– Lợi nhuận tăng nhưng có xu hướng đi ngang trong 3 năm gần nhất

=> cần xem xét thêm lý do tại sao lợi nhuận không tăng trưởng trong khi doanh thu vẫn tăng. Cần phải đặt nghi vấn về khả năng quản lý chi phí trong khoảng thời gian này.

13. Nguồn doanh thu, lợi nhuận đến từ đâu?

– Khai thác và kinh doanh đá, vật liệu xây dựng: 57%

– Cho thuê bất động sản KCN: 42%

=> phân tích ngành đá xây dựng và ngành BDS công nghiệp

14. Hoạt động kinh doanh cốt lõi

– Khai thác và kinh doanh đá, vật liệu xây dựng

15. Đứng top mấy trong ngành?

– Top 1 trong ngành khai thác đá ở khu vực miền Nam => có lợi thế cạnh tranh lớn để tăng lợi nhuận trong tương lai

16. Tin tức truyền thông về cty

https://s.cafef.vn/…/ky-vong-huong-loi-tu-dau-tu-cong…

https://s.cafef.vn/…/dau-tu-cong-la-dau-keo-kinh-te-nua…

https://finance.vietstock.vn/…/ksb-bao-cao-phan-tich-ky…

https://vnexpress.net/chon-co-phieu-nao-de-don-song-dau…

….. (tìm thêm nhé)

=> nhìn chung công ty không có phốt gì đáng ngại từ quá khứ đến nay

—————————————————-

NHÓM 2: TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ NGÀNH NGHỀ

1. Mô tả tóm tắt mô về ngành

Ngành đá:

– Bán các sản phẩm đá được khai thác từ các mỏ đá. Mô hình kinh doanh đơn giản

– Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào công nghệ khai thác, số lượng mỏ đá dc cấp phép khai thác và hạn mức cho phép khai thác trong năm

– Doanh thu và lợi nhuận ổn định vì nhu cầu xây dựng luôn có quanh năm

– Tỷ lệ lợi nhuận cao

– Sẽ có tăng trưởng đột biến nếu có thay đổi chính sách về khai thác đá

Xem thêm thông tin: https://vcbs.com.vn/vn/Communication/GetReport?reportId=4784

2. Ngành kinh doanh này đang trong giai đoạn nào

– Đang trong giai đoạn đi lên trong 3 năm tiếp theo vì nhu cầu đầu tư công và nhu cầu xây dựng sẽ tăng mạnh sau dịch

3. Ngành kinh doanh này có gì đặc biệt về chính sách dài hạn

– Chủ trương đẩy mạnh đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia sẽ kích thích nhu cầu sử dụng đá ở các địa phương đó

4. Ngành này hiện đang có sự kiện gì nổi bật không?

– Hiện tại nhà nước đã cho phép các mỏ đá phục vụ các công trình cao tốc Bắc Nam nâng công suất khai thác từ 35% lên 50%

– Giá bán đá trong miền Nam sẽ cao hơn miền Bắc vì miền Nam có ít mỏ đá hơn

5. Tin tức mở rộng về ngành

https://thoibaonganhang.vn/nganh-xay-dung-vat-lieu-xay…

https://tuoitre.vn/hai-cu-soc-keo-nganh-xay-dung-giam-toc…

https://kinhtevadubao.vn/du-bao-doanh-nghiep-nganh-xay…

….. (tìm thêm nhé)

—————————————————-

NHÓM 3: TÌM HIỂU THÔNG TIN VỀ NỘI LỰC DOANH NGHIỆP

Cách đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp KSB

Mở BCTC ở trang: https://finance.vietstock.vn/KSB/tai-chinh.htm

Hoặc download BCTC của công ty đính kèm để soi chi tiết hơn

bctc ksb

1. Tìm hiểu về cấu trúc doanh thu, chi phí trong bảng báo cáo kết quả kinh doanh

Xu hướng doanh thu: tăng đều, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần nhất khoảng 10%. Năm 2021 doanh thu giảm mạnh vì lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid => tác động này sẽ chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, không phải là vấn đề trong tương lai.

Xu hướng lợi nhuận: tăng dần nhưng đi ngang trong 3 năm gần đây => lợi nhuận đi ngang cho thấy chi phí công ty đang tăng. Do đó, đây là một trong những điểm trừ khi đầu tư vào KSB. Đối với những công ty có lợi nhuận không tăng trưởng thì định giá phải thấp hơn.

Tỷ lệ lợi nhuận ròng: 45% doanh thu ( trên 20% là tốt rồi)

Chi phí quản lý doanh nghiệp: 10% (nhỏ hơn 20% là tốt)

Chi phí tài chính: Đang có xu hướng tăng, hiện đang chiếm 16% lợi nhuận ròng. Cần theo dõi thêm (dưới 20% lợi nhuận ròng là vẫn ổn)

Lợi nhuận sau thuế > 16%, tốt

2. Tìm hiểu về cấu trúc tài sản trong bảng cân đối kế toán

bảng cân đối kế toán

Tiền và các khoản tương đương tiền: khoảng 100 tỷ => tỷ lệ tiền mặt thấp, chỉ bằng 10% nợ ngắn hạn nên sẽ có 1 chút rủi ro về thanh khoản. Những doanh nghiệp ít tiền mặt sẽ rủi ro trong những giai đoạn lãi suất tăng cao.

Tài sản ngắn hạn so với nợ ngắn hạn: Có khả năng trả nợ

Tài sản dài hạn so với nợ dài hạn: Có khả năng trả nợ

Hàng tồn kho và vòng xoay hàng tồn kho: Ổn định => khả năng bán hàng tốt

3. Tìm hiểu về luân chuyển dòng tiền của công ty trong bảng luân chuyển tiền tệ:

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương => công ty quản lý dòng tiền kinh doanh hiệu quả

4. Đọc biên bản họp đại hội cổ đông trong 3 năm gần nhất: (tải file về đọc)

– Đa số đi đúng kế hoạch mà các kỳ đại hội cổ đông đã đề ra

– Chỉ duy nhất việc triển khai sát nhập để gia tăng mỏ đá vẫn bị chậm trễ. Cần theo dõi thêm ở khoản này.

5. Tìm hiểu kế hoạch kinh doanh trong tương lai: (tìm file biên bản đại hội cổ đông gần nhất để đọc)

– Đẩy mạnh khai thác các mỏ đá hiện tại và mua thêm mỏ đá mới để tăng sản lượng khai thác => tăng doanh thu

– Mở rộng khu công nghiệp để tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cho thuê KCN

– Năng lực lãnh đạo: có năng lực phát triển và điều hành công ty. Đưa ra kế hoạch và thực hiện được.

Ok, những thông tin cơ bản như vậy là đủ để bạn hiểu được doanh nghiệp này rồi đó. Tất nhiên, nếu là chuyên gia tài chính thì họ sẽ còn đánh giá chi tiết hơn, đọc báo cáo tài chính sâu hơn nữa. Nhưng đối với nhà đầu tư mới học, thì chỉ cần hiểu doanh nghiệp ở mức này thôi đã đem lại cho bạn lợi thế rất lớn so với hơn 90% nhà đầu tư chưa biết gì về cách đánh giá doanh nghiệp rồi.

Sau khi soi báo cáo tài chính và đánh giá doanh nghiệp, các bạn hãy đưa những cổ phiếu có tiêu chí như sau vào watch-list để theo dõi và làm định giá:

  • Doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đơn giản, dễ đánh giá
  • Doanh nghiệp nằm trong ngành vẫn phát triển được
  • Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh
  • Doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả
  • Doanh nghiệp có khả năng trả nợ hoặc không bị rủi ro vỡ nợ
  • Lãnh đạo doanh nghiệp lành mạnh, không có phốt gì liên quan đến xâm phạm lợi ích cổ đông

Sau khi đánh giá doanh nghiệp xong thì chúng ta sẽ dùng những thông tin đó để học qua bài 3 nhé!

Bài 3. Cách định giá cổ phiếu của công ty hiện tại và cách đưa ra khoảng giá mua, bán

Tác giả: Lê Hoàng Việt (Levi)

Trong quá trình tự học, có điều nào chưa hiểu các bạn có thể add zalo tôi để được giải đáp

Zalo: 0982 455 061 (Hoàng Việt)

Mới nhất

Phân tích và nhận định cổ phiếu APS – Công ty CP chứng khoán APEC

Trong những năm gần đây, đầu tư là cách...

Review ngân hàng Nam Á Bank – NAB

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chính...

Review bảo hiểm sức khỏe manulife

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người cũng...

Mua trái phiếu ngân hàng có lợi nhuận tốt và an toàn như lời đồn không?

Trái phiếu ngân hàng là một loại trái phiếu...

Quảng Cáo

spot_img

Cách Đầu Tư

Bài 5: Cách Quản Trị Vốn Và Quản Lý Danh Mục Đầu Tư

LỜI ĐẦU TIÊN: HỌC CÁCH QUẢN TRỊ VỐN VÀ...

Bài 3: Cách Định Giá Cổ Phiếu Và Lựa Chọn Giá Mua Hợp Lý

Chào các bạn, hôm nay mình sẽ hướng dẫn...

Bài 1: Các Thuật Ngữ Trong Thị Trường Chứng Khoán Cần Phải Biết

Các cụ thường bảo nhau: Ngôn ngữ là chìa...
Lê Hoàng Việt (Levi)
Lê Hoàng Việt (Levi)https://www.linkedin.com/in/le-hoang-viet/
Đầu tư là cả một quá trình dài không phải chỉ 1, 2 năm!
spot_imgspot_img

Mua trái phiếu ngân hàng có lợi nhuận tốt và an toàn như lời đồn không?

Trái phiếu ngân hàng là một loại trái phiếu khá phổ biến và được đông đảo nhà đầu tư quan tâm hiện nay. Tuy...

Cách nhận diện và đánh giá rủi ro của trái phiếu

Đầu tư vào trái phiếu là một hình thức đầu tư được nhiều chuyên gia chứng khoán tin tưởng đặt trọn tài sản của...

Tổng quan thị trường trái phiếu Việt Nam

Thị trường trái phiếu ở Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư đánh giá rất cao trong tiềm năng phát triển trong nhiều...

Trái phiếu chính phủ là gì? Cách mua bán trái phiếu chính phủ

Ngoài cổ phiếu ra thì trái phiếu chính phủ còn thu hút rất nhiều nhà đầu tư bởi tính an toàn, ổn định. Vậy...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here