Với mục tiêu cung cấp 100% giao dịch online cho khách hàng và dịch vụ tài chính tích hợp đa dạng trên nền tảng số cho hệ sinh thái Bảo Việt trong giai đoạn 2021 – 2025, BVS đã trở thành một trong những mã chứng khoán có tiềm năng tăng trưởng cao được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đánh giá cao trên thị trường. Hãy cùng Ohmoney nhận định cổ phiếu BVS để có cái nhìn tổng quan nhất về những kết quả mà BVS đã đạt được, đồng thời phân tích độ hấp dẫn của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán hiện nay qua bài viết được chia sẻ dưới đây!

Phần I: Tổng quan về mã cổ phiếu BVS – Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVS là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1999 với số vốn điều lệ ban đầu là 43 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập của BVS là Tập đoàn Bảo Việt – Tập đoàn tài chính hàng đầu nước ta. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ cùng những chiến lược phát triển toàn diện, BVS đã và đang trở thành cái tên hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay.
Dưới đây là những thông tin tổng quan về mã cổ phiếu BVS:
- Mã cổ phiếu: BVS
- Giá cổ phiếu BVS (19/08/2022): 24.100đ/cổ phiếu
- Vốn hóa: 1.740 tỷ
- Số lượng cổ phiếu niêm yết: 72.233.937 cổ phiếu
- EPS (Earning per share) 2021: 3,919
- PE: 10.23
- ROE (return on equity): 14.08%
- Năm thành lập: 1999
- Địa chỉ trụ ở chính: Tầng 1 – 4 – 7 tòa nhà số 8, Đường Lê Thái Tổ, P. Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Website thông tin chính thức: https://bvsc.com.vn/
- Lịch sử chi trả lợi nhuận: BVS chia cổ tức đều đặn từ năm 2019 cho đến nay dưới hình thức tiền mặt.
- Tầm nhìn: Giữ vững vị thế công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường, mang đến dịch vụ chứng khoán đa dạng trên nền tảng số để mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, và sự hài lòng cho cổ đông.
Nguồn: https://finance.vietstock.vn/BVS-ctcp-chung-khoan-bao-viet.htm
Thời gian cập nhật: Ngày 20/08/2022
Phần II: Đánh giá và nhận định cổ phiếu BVS
BVS hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực chính, gồm:
- Môi giới chứng khoán: Môi giới khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức
- Lưu ký
- Tự doanh
- Tư vấn doanh nghiệp và Ngân hàng đầu tư
- Phân tích và tư vấn đầu tư
Trong đó, chiếm đến hơn 90% tổng doanh thu của BVS đến từ 3 mảng hoạt động chính là: môi giới, thu lãi từ các khoản cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và doanh thu từ hoạt động tự doanh.
So với các công ty cùng ngành, BVS đứng top 3 các mã chứng khoán có chỉ số P/E cao nhất và nằm trong top 8 cổ phiếu tài chính có hiệu quả sử dụng vốn ROE lớn nhất trên thị trường.
1. Đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của BVS

(Nguồn: https://finance.vietstock.vn/)
Trong năm 2021, BVS đã có sự tăng trưởng mạnh trong các hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tổng doanh thu và thu nhập khác trong năm qua lần đầu tiên vượt mức một ngàn tỷ đồng, đạt 1.147 tỷ đồng, doanh thu thực hiện là 1.052 tỷ đồng, bằng 203,16% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể:
- Doanh thu từ hoạt động môi giới (2021): đạt 467,67 tỷ đồng, chiếm 40,77% trong tổng doanh thu và bằng 208,91% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Lãi từ hoạt động cho vay và phải thu (2021): đạt 361,77 tỷ đồng, chiếm 31,54% trong tổng doanh thu và bằng 107,81% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Doanh thu từ đầu tư tài sản tài chính (2021): đạt 255,98 tỷ đồng, chiếm 22,32% trong tổng doanh thu và bằng 20,23% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Doanh thu hoạt động tư vấn, bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán (2021): đạt 41,03 tỷ đồng, chiếm 3,58% trong tổng doanh thu và bằng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Doanh thu từ hoạt động lưu ký (2021): đạt 9,23 tỷ đồng, chiếm 0,8% trong tổng doanh thu và bằng 62,63% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Doanh thu khác (2021): đạt 2,65 tỷ đồng, chiếm 0,23% trong tổng doanh thu và bằng 4,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Doanh thu từ hoạt động tài chính (2021): đạt 8,79 tỷ đồng, chiếm 0,77% trong tổng doanh thu và bằng -66,30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu vẫn là 3 mảng hoạt động chính, bao gồm: môi giới, thu lãi từ các khoản cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và doanh thu từ hoạt động tự doanh. Tổng 3 mảng trên chiếm đến hơn 90% cơ cấu tổng doanh thu của công ty.
Cũng trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của BVS đạt đến 282,94 tỷ đồng, lợi nhuận thực hiện sau thuế là 232,20 tỷ đồng, tăng 221,08% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, 2021 là một năm thành công đối với BVS. Có thể nói, những ảnh hưởng từ đại dịch đã làm tổn hại không ít tổ chức, doanh nghiệp, nhưng đối với BVS, doanh nghiệp này lại được hưởng lợi từ đại dịch và đã vươn lên chạm mốc kỷ lục trong lịch sử hoạt động của mình.
2. Đánh giá triển vọng ngành nghề cốt lõi và sản phẩm của BVS
Đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam 2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2022 đang có những biến chuyển không như mong đợi, và được dự báo là sẽ có nhiều rủi ro trong nửa cuối năm, đặc biệt là tính khó lường từ ngoại biên. Tuy nhiên, yếu tố nội tại của thị trường lại đang có chiều hướng thuận lợi và được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác hỗ trợ sự phục hồi tích cực và mang lại những tín hiệu tốt đẹp cho thị trường.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu 2022, chỉ số VN-Index đã giảm từ 1.528 điểm xuống còn 1.197 điểm, giảm – 20,5% so với đầu năm. Tại sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng có sự giảm mạnh. Các chuyên gia cho rằng diễn biến trên đến từ tác động chung của tình hình kinh tế, chứng khoán toàn cầu, nhất là sự đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát của FED và căng thẳng giữa Nga với Ukraine. Bên cạnh đó, những lãnh đạo doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư Việt Nam bị ảnh hưởng tâm lý và trở nên e dè hơn trong việc đầu tư.
Như vậy, trong thời gian tiếp theo, nếu như tình hình tiến triển theo hướng khả quan hơn, FED nới lỏng chính sách thắt chặt và những vấn đề kinh tế, chính trị được giải quyết, thì thị trường chứng khoán sẽ khôi phục và trở nên sôi động hơn. Ngược lại, nếu diễn biến vẫn tệ như hiện tại, rất có thể thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lại tiếp tục đón đầu những “làn sóng dữ” sắp tới.
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/
Chính sách phát triển dài hạn của ngành chứng khoán Việt Nam
Trong Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có đặt ra nhiều mục tiêu phát triển cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể đến 2030, thị trường chứng khoán sẽ duy trì sự ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ – thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu – thị trường chứng khoán phái sinh.
Cụ thể, đến 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP và đến 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP. Theo đó, mức tối thiểu của dư nợ thị trường trái phiếu và dự nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2025, 2030 lần lượt là: 47%, 20% và 58%, 25%.
Ở chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030, tầm nhìn 2045, dự kiến tốc độ tăng trưởng chứng khoán phát sinh sẽ đạt khoảng 20 đến 30%/năm.
Nguồn:
Nhận định cá nhân về ngành nghề kinh doanh của BVS
Cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách, chiến lược phát triển của nhà nước, cộng với tình hình ổn định của kinh tế thế giới, tin chắc rằng ngành chứng khoán Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và mở ra cơ hội sinh lợi lớn cho các nhà đầu tư trong tương lai.
3. Đánh giá chất lượng tài sản, bảng cân đối kế toán của BVS

Cấu trúc vốn BVS
Tỷ lệ D/E: 1,67 lần
Từ con số trên, có thể thấy rằng BVS đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng như sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi cùng với đó, đòn bẩy tài chính cũng là con dao hai lưỡi có thể khiến cho nhà đầu tư gặp phải rủi ro lớn.
Với BVS, trong những năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn đang trong đà tăng trưởng, vì thế các nhà đầu tư có thể “tạm thời” yên tâm khi đầu tư mã cổ phiếu này.
Nhà đầu tư cần theo dõi chỉ số này, nếu D/E trong tương lai vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lại không tăng, thậm chí có biểu hiện xuống dốc, rất có thể mã cổ phiếu đó sẽ giảm mạnh.
Khả năng thanh khoản và trả nợ
- Hệ số khả năng thanh toán tổng quát: 1,6 => Doanh nghiệp có thể đáp ứng được các khoản nợ tới hạn.
- Khả năng thanh toán hiện thời: 1,6 => Doanh nghiệp có khả năng cao trong việc sẵn sàng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
- Tỷ số thanh toán hiện hành (current ratio): 1,6 => Doanh nghiệp có đủ tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
- Khả năng thanh toán tức thời: 0.02 => Tính thanh khoản thấp, nhưng các chỉ số trên lại cao, cho thấy doanh nghiệp nếu vẫn duy trì như hiện tại thì chưa xuất hiện vấn đề lớn về tính thanh khoản cũng như khả năng trả nợ.
Các khoản đầu tư dài hạn
Tài sản dang dở của VBS là gần 3000 tỷ đồng và chiếm phần lớn trong đó là các khoản đầu tư tài chính, cụ thể là BVS đang nắm giữ các các mã cổ phiếu, bao gồm:
- Cổ phiếu KDH
- Cổ phiếu MSN
- Cổ phiếu IDP
- Cổ phiếu HDG
- Cổ phiếu MWG
Nhận định cá nhân
Về phần tài sản, có thể thấy rằng các chỉ số đều rất khả quan và ổn định. Vì thế, các nhà đầu tư có thể yên tâm và đầu tư vào mã cổ phiếu này để thu lại lợi nhuận trong tương lai.
4. Đánh giá tình hình lưu chuyển tiền của công ty BVS

- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của BVS vào năm 2021 là -1.634 tỷ đồng, tăng gấp 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số đáng lo ngại khi những năm gần đây, dòng tiền này đều âm và có xu hướng tăng mạnh.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính của BVS trong năm 2021 là 1.615,6 tỷ đồng và tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số không mấy khả quan khi công ty phải thu tiền từ hoạt động tài chính để bù vào dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh. Trong tương lai, nếu không huy động thêm vốn, rất có thể doanh nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ mất thanh khoản.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư đang là số âm: – 3.890 tỷ đồng và có xu hướng giảm, con số này khá ổn. Tuy nhiên, có lẽ BVS đang giảm các hạng mục đầu tư hoặc chưa có ý định mở rộng quy mô khiến cho con số này có phần giảm đi so với năm ngoái.
Nhận định cá nhân về dòng tiền của doanh nghiệp BVS
Tình hình lưu chuyển tiền của BVS đang rất đáng quan ngại. Nếu BVS không có chiến lược, chính sách mới trong tương lai, rất có thể doanh nghiệp này sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, thậm chí mất khả năng thanh khoản cũng như ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
Dẫu vậy, cũng dễ hiểu khi đặt BVS vào tình hình thị trường trong hai năm qua, khi mà đại dịch Covid cùng những sự kiện thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán Việt Nam. Trong tương lai, với sự hỗ trợ thúc đẩy của chính phủ cùng sự khôi phục từ thị trường, hy vọng rằng những con số trên sẽ được phản ánh một cách tích cực hơn.
5. Đánh giá uy tín từ ban lãnh đạo
Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Ông Nguyễn Hồng Tuấn

Ông Nguyễn Hồng Tuấn được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị của BVS từ tháng 11/2018 cho đến nay. Gắn bó với BVS từ những ngày đầu tiên cho đến khi doanh nghiệp này đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ông được xem là một trong những thành viên cốt cán đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển và lớn mạnh cho BVS như hiện tại.
Về hoạt động mua bán cổ phiếu, ông đang nắm giữ 341.534 tương đương với 00,81% và sẽ tiếp tục gia tăng số cổ phiếu trong tương lai.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – Ông Nhữ Đình Hòa

Ông Nhữ Đình Hòa được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt từ năm 2010 cho đến nay. Trước đó, ông đã có khoảng 5 năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc của BVS từ 2005 – 2010.
6. Tổng kết nhận định cổ phiếu BVS sau khi đánh giá nền tảng cơ bản
Ưu điểm
- Ban lãnh đạo uy tín, có tâm với nghề và có khả năng quản lý, dẫn dắt doanh nghiệp đạt được các mục tiêu trong tương lai.
- Tầm nhìn hấp dẫn, bắt kịp xu hướng của thời đại công nghệ, chuyển đổi số
- Ngành nghề có tiềm năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là khi Nhà nước đưa ra các chính sách phát triển thị trường chứng khoán.
Nhược điểm
- Ngành nghề có triển vọng phát triển lớn trong tương lai, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro lớn.
- Tỷ lệ nợ vay lớn, đòi hỏi BVS cần phải duy trình tốc độ tăng trưởng nếu muốn giá BVS không bị ảnh hưởng theo chiều hướng đi xuống.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm trong những năm gần đây, đây cũng chính là điểm đáng quan ngại nhất khi đưa ra quyết định đầu tư hay không vào BVS.
Phần III. Định giá cổ phiếu BVS – Công ty Cổ phần Chứng khoán BVS
Định giá dưới đây được thực hiện dựa trên sự biến động tăng giảm lợi nhuận theo chu kì của cổ phiếu BVS. Trên thực tế, giá có thể có sự biến động cao hoặc thấp hơn, vì thế bạn nên cân nhắc và dựa vào tình hình biến đổi thực tế của thị trường để có quyết định đầu tư phù hợp nhất.
Kịch bản 1: BVS cải thiện các rủi ro và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
=> Ước tính giá cổ phiếu BVS sẽ là: 45.900 vnd/cp
Kịch bản 2: BVS tiếp tục tăng trưởng và kèm theo tăng các rủi ro ở trên
=> Ước tính giá cổ phiếu BVS sẽ là: 30,073 vnd/cp
Kịch bản 3: BVS không hoàn thành kế hoạch kinh doanh
=> Ước tính giá cổ phiếu BVS sẽ là: 17.211 vnd/cp
Lưu ý:
- Các số liệu này lấy từ tháng 8/2022, do đó bạn đọc có thể tự điều chỉnh các chỉ số cho phù hợp để có tính ra được kết quả định giá chính xác hơn.
Bên trên là phần đánh giá và nhận định cổ phiếu BVS mà bạn có thể tham khảo. Nhìn chung, BVS dẫu còn tồn tại một số rủi ro đáng quan ngại, nhưng đây vẫn sẽ là một cơ hội đầu tư tiềm năng mà các nhà đầu tư thông thái không nên bỏ qua. Vì thế, bạn có thể dựa trên những nội dung trên cùng với định hướng chiến lược đầu tư của mình để đưa ra quyết định chính xác nhất.