Công ty chứng khoán Bản Việt -VCI hiện đang hoạt động trong ngành tài chính và bảo hiểm/ Môi giới chứng khoán, hàng hóa, đầu tư tài chính,… Vào năm 2021, VCI được vinh danh là công ty thuộc “ TOP 50 Doanh nghiệp Lợi nhuận xuất sắc Việt Nam 2021″ ( Theo VTV News, 10/12/2021). Với nhiều bước tiến đột phá, chuyển mình trong kế hoạch kinh doanh của mình trong thời gian qua liệu rằng VCI có phải là “ miếng bánh ngon” dành cho nhà đầu tư? Cùng Ohmoney tìm hiểu nhận định cổ phiếu VCI trong bài viết sau.
I. Thông tin tổng quan của mã cổ phiếu VCI – Công ty Chứng Khoán VCI
Lưu ý: thông tin và số liệu trong bài viết này được cập nhật tại ngày 15/07/2022
- Mã cổ phiếu: VCI
- Giá cổ phiếu VCI (ngày 15/7/2022): 38.950 VND/CP
- Vốn hóa: 3.330 tỷ đồng (12/07/2021)
- Số lượng cổ phiếu niêm yết: 335.000.000 cổ phiếu (VCI,21/06/2022)
- EPS (Earning per share) của năm gần nhất: 5.852,00
- PE: 12.44
- ROE (Return On Equity): 27.09
- Năm thành lập: 2007
- Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 15 – Tháp Tài chính Bitexco – 2 Hải Triều – Q. 1 – Tp. Hồ Chí Minh
- Website thông tin chính thức: https://www.vcsc.com.vn/
- Lịch sử chi trả lợi nhuận: VCI chia cổ tức đều đặn từ 2018 đến nay ( 5 năm liên tục)
- Tầm nhìn của doanh nghiệp: Trở thành một đơn vị tài chính uy tín hàng đầu. Trở thành “ Người dẫn đầu”, mang lại các giá trị cốt lõi hướng tới mục tiêu chung của cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế
II. Nhận định mã cổ phiếu VCI
1. Đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của VCI.
Để tiến hành đánh giá và nhận định cổ phiếu VCI một cách khách quan nhất, nhà đầu tư không thể bỏ lỡ phần nhận xét về kết quả hoạt động kinh doanh của VCI. Đây được xem là bước cơ bản trong quá trình đánh giá doanh nghiệp và tiến hành đầu tư cổ phiếu.
1.1 Hoạt động kinh doanh
Trong nội dung bài viết này, Ohmoney chủ yếu sử dụng dữ liệu từ Báo cáo thường niên và BCTC của Công ty chứng khoán Bản Việt. Dựa vào kết quả báo cáo kinh doanh 2021, có thể nhận định cổ phiếu VCI cơ bản như sau:

Doanh thu của VCI phần lớn đến từ hoạt động đầu tư hay còn biết với tên gọi tự doanh chứng khoán. Đây cũng là hoạt động đem lại 59% lợi nhuận, doanh thu chính cho công ty.
- Đầu tư- Tự doanh chứng khoán: 53%
- Môi giới cá nhân: 14%
- Tỷ lệ cho Margin: 16%
- Ngân hàng đầu tư: 9%
- Môi giới tổ chức: 9%
Nếu xem xét kỹ lưỡng Báo cáo doanh thu của VCI trong giai đoạn năm 2017- 2021, nhà đầu tư có thể nhận thấy rõ sự chuyển dịch trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong giai đoạn 2020- 2021 khi thị trường đang trong chu kỳ uptrend. VN- Index tăng 36% so với năm 2020 ( Báo Thanh Niên – 31/12/2021). Đây chính là lý do góp phần lý giải cho việc mảng tự doanh ở các công ty chứng khoán có xu hướng tăng mạnh.
VCI thuộc TOP mấy trong ngành
Công ty Chứng khoán Bản Việt hiện đang là doanh nghiệp thuộc TOP 10 Doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường. ( Theo Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh- HOSE vào năm 2021)

Điểm cộng lớn của Công ty chứng khoán Bản Việt là huy động thành công 240 triệu USD vốn nước ngoài ( khoảng 5.500 tỷ đồng). Điều này một phần phản ánh rõ niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, điều này còn minh chứng cho khả năng quản lý, kinh doanh của VCI.

Kết quả hoạt động kinh doanh của VCI đang trong đà tăng trưởng mạnh. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021, doanh thu tăng mạnh từ 1.821.479 lên 3.707.069. Cụ thể trong giai đoạn 2020 – 2021, Doanh thu từ Kinh doanh Chứng Khoán của VCI tăng mạnh lên đến 114%.
Lợi nhuận gộp tăng trưởng ổn định. Cụ thể năm 2018, mức lợi nhuận gộp của VCI đạt 1.339 tỷ đồng, năm 2021 con số này đã tăng lên 2.380 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận ròng của VCI trong giai đoạn 2018 -2021 giao động ở mức 73% – 77%. So sánh với những doanh nghiệp đứng đầu ngành, mức lợi nhuận gộp của đang nằm ở mức ổn định ( VND- 65%; SSI – 73.95%; HCM- 41%,…)
Lợi nhuận sau thuế của Cổ đông công ty mẹ tăng trưởng ổn định qua từng năm. Từ 822 tỷ đồng (2018) tăng mạnh lên 1.498 tỷ đồng (2021).
1.2 Đánh giá triển vọng ngành nghề cốt lõi và sản phẩm của doanh nghiệp VCI
Đánh giá quy mô, triển vọng ngành
Tình hình chung của thị trường chứng khoán kể từ tháng 6 năm 2022 cho thấy thị trường đang có xu hướng Downtrend. Sau mức tăng cao kỷ lục vào ngày 6/1, VN-Index có xu hướng sụt giảm mạnh. Tuy vậy, tổng quan lại cho ngành chứng khoán vẫn còn nhiều điểm sáng hấp dẫn.
Theo đó, doanh thu từ hoạt động môi giới giao dịch tăng 158% và cho vay Margin tăng 156%, chiếm tỷ trọng lần lượt là 26.6% và 37.2%. Lợi nhuận thuần đath 12.2 nghìn tỷ đồng cùng với biên lợi nhuận thuần tăng lên 37.2%.
Theo báo cáo của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, giá trị giao dịch trên sàn HOSE cao gấp 7 lần giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. Tỷ lệ cao nhà đầu tư cá nhân tham gia vào ngành ( 99% về khối lượng và 70% – 80% về thanh khoản) tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán gia tăng lợi nhuận từ lãi cho vay Margin của mình.
Sản phẩm chính – Sản phẩm thay thế trong ngành
Phần lớn các công ty chứng khoán đều cung cấp các dịch vụ chính như: môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tư vấn niêm yết chứng khoán, dịch vụ đánh giá và giao dịch ký quỹ,… Tuy nhiên doanh thu chính vẫn đền từ việc lãi vay Margin và môi giới chứng khoán.
Cụ thể trong quý 3 năm 2021, một số công ty chứng khoán đã chạm ngưỡng cho vay Margin 200% so với VCSH. Hay có đến 20- 21 nghìn tỷ đồng vốn hoá đã được bổ sung vào thị trường. Trong tương lai tư vấn chứng khoán và cho vay Margin vẫn chiếm tỷ trọng lớn doanh thu của các công ty chứng khoán.
Tuy vậy, có thể việc tư vấn chứng khoán trực tiếp tại sàn giao dịch sẽ dần chuyển đổi sang hình thức các gói dịch vụ tư vấn online. Không đơn thuần là sự chuyển đổi công nghệ mà đây chính là điểm cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều CTCK.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bạn có thể nhận thấy CTCK Bản Việt có nguồn doanh thu và lợi nhuận chính đến từ hoạt động đầu tư, đi ngược lại với số đông công ty chứng khoán hiện hành. Nhưng với tình hình chung của thị trường hiện nay, việc thu lợi từ các khoản cho vay Margin vẫn được đánh giá cao hơn.
Các bên tham gia vào thị trường
- Không chỉ đơn thuần có nhà đầu tư và đơn thị phát hành chứng khoán mà còn có các bên tham gia như:
- Các tổ chức phát hành Chứng khoán ( Chính phủ; Công ty/ tổ chức tài chính)
- Nhà đầu tư cá nhân và Nhà đầu tư tổ chức
- Các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán ( ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán, nghiên cứu thị trường; Ngân hàng giám sát; Quỹ đầu tư Chứng khoán)
- Các tổ chức liên quan đến thị trường Chứng khoán ( HOSE, HNX, 20 Upcom, OTC ); Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam – VSD.
Đặc biệt không thể bỏ qua các mục tiêu của Chính phủ trong việc phát triển thị trường vốn. Tái cấu trúc vận hành thị trường chứng khoán, nâng cấp hệ thống theo dõi, nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm tài chính mới,… là những định hướng mà Bộ tài chính hướng đến. Mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm 2025 vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 85% GDP.
Nhìn chung với sự gia tăng ngày càng nhiều của nhóm nhà đầu tư cá nhân góp phần đẩy mạnh nguồn thu của các CTCK. Thêm vào đó với quy định mới của Bộ tài chính cho phép các công ty chứng khoán đẩy mạnh vốn hoá thị trường lên cao hơn nữa. Tạo cơ hội cung cấp vốn cho hoạt động vay Margin.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kinh nghiệm hay xu hướng đầu tư lướt sóng khiến thị trường có mức tăng giảm không ổn định. Do vậy trong tương lai gần, VCI nên phát triển mạnh hơn các hoạt động môi giới và cho vay Margin của mình.

References:
- https://cafef.vn/trien-vong-nao-cho-nganh-chung-khoan-trong-va-sau-nam-2022-20220615104019082.chn
- https://thitruongtaichinhtiente.vn/ky-vong-co-hoi-dau-tu-co-phieu-nhom-nganh-nao-trong-nua-cuoi-nam-2022-41213.html
- https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trien-vong-va-thach-thuc-thi-truong-nua-cuoi-nam-post301352.html
2. Đánh giá chất lượng tài sản, bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp VCI
2.1 Cấu trúc vốn của VCI
Tỷ lệ D/E (Tỷ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu): 1,5 lần. Tỷ lệ D/E liên tục cao trong nhiên năm nhưng không đồng nghĩa với việc khả năng thanh toán của VCI khó khăn. Đối với Công ty Chứng khoán, tỷ lệ nợ vay càng lớn càng tốt.
2.2 Khả năng thanh toán và trả nợ

- Khả năng thanh toán tiền mặt: 0.11%
- Tỷ số thanh toán hiện hành: 1.7
Lưu ý: Đối với các Công ty Chứng khoán hay công ty tài chính nhìn chung Tỷ lệ thanh toán hiện hành có thể hiểu tương tự như khả năng thanh toán nhanh (Bởi Công ty Chứng khoán không có hàng tồn kho)
Tiền và các khoản tương đương tiền của VCSC thấp hơn các khoản vay ngắn hạn rất lớn. Thông thường, doanh nghiệp cần duy trì một lượng Tiền mặt nhất định, tương đương với giá trị của các khoản vay ngắn hạn. Điều này góp phần đảm bảo khả năng thanh toán nhanh của một doanh nghiệp.
Hiện tại, VCI năm giữ hơn 1.131 tỷ tiền mặt tuy nhiên riêng khoản nợ ngắn hạn đã có giá trị lên đến 6.326 tỷ đồng. Với hơn 53% doanh thu đến từ hoạt động tự doanh chứng khoán, do vậy tỷ lệ nợ ngắn hạn của VCI có thể được xem là tạm chấp nhận.
Các khoản nợ phải trả của VCI bao gồm:
- Nợ vay;
- Trái phiếu phát hành;
- Phải trả liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán;
- Phải trả chứng quyền có bảo đảm do Công ty phát hành;
- Phải trả người bán gồm các khoản phải trả phát sinh từ giao dịch mua các tài sản tài chính, hàng hóa, dịch vụ;
- Người mua trả tiền trước;
- Phải trả khác gồm các khoản phải trả không có tính thương mại và không liên quan đến giao dịch mua các tài sản tài chính, hàng hóa và dịch vụ.
2.3 Danh mục đầu tư
Nếu vòng quay hàng tồn kho là yếu tố không thể bỏ qua khi xem xét BCTC thì việc tìm hiểu về các danh mục đầu tư trong quá trình nhận định cổ phiếu VCI là điều không thể bỏ qua. Nhìn chung các danh mục đầu tư của VCSC có xu hướng trưởng đều qua các năm.

3. Đánh giá tình hình lưu chuyển tiền của doanh nghiệp
Trong bài viết này, Ohmoney tiến hành so sánh số liệu BCTC của Công ty chứng khoán Bản Việt giữa Quý 1 năm 2021 và Quý 1 năm 2022. Để tiến hành so sánh kỹ hơn bạn đọc có thể tìm kiếm thêm thông tin tài chính của VCI trên Website Vietstock để có thể nhận định tổng cổ phiếu VCI một cách tổng quan nhất có thể.
3.1 Lưu chuyển tiền từ Hoạt động Kinh doanh

Theo kết quả BCTC của Công ty chứng khoán Bản Việt, nhận thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh. Cụ thể vốn lưu động của VCI trong năm 2021 tăng mạnh từ 1.673 tỷ lên 5.732 tỷ đồng.
3.2 Lưu chuyển tiền từ Hoạt động Đầu tư
Nhận thấy VCI trong năm 2021 không còn tập trung nhiều vào việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống. Cụ thể nếu năm 2020, VCI chi đến 13 tỷ cho các khoản TSCĐ thì vào năm 2021 danh mục này chỉ còn hơn 6 tỷ đồng. Do vậy dòng tiền từ hoạt động đầu tư trong năm 2021 của VCI đang có xu hướng âm.

3.3 Dòng tiền từ hoạt động tài chính

Tương tự như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của VCI cũng có xu hướng suy giảm không chênh lệch quá nhiều.
Nhận xét tổng quan của Ohmoney về lưu chuyển dòng tiền của VCI ở thời điểm hiện tại là doanh nghiệp còn đang chi trả khoản vay quá nhiều. Tuy LNST của doanh nghiệp có tăng, tuy nhiên chưa thật sự cao bởi vì tốn quá nhiều chi phí cho việc thanh toán khoản vay.
4. Đánh giá năng lực, uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp
4.1 Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng là thành viên sáng lập CTCP Chứng khoán Bản Việt – VCSC cùng Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt. Trước khi được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VCSC và VCAM (2007), bà từng giữ chức vị Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Holding Asset Management.
Là con gái của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng còn biết đến là một nữ doanh nhân thành đạt. Tuy chỉ nắm giữ 4.08% cổ phần của doanh nghiệp, nhưng với tài trí cũng như tên tuổi của mình, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng đã thành công nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VCSC.
Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, số lượng cổ phiếu của Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng có xu hướng tăng mạnh cụ thể, trong năm 2018 số lượng cổ phiếu của Bà Phượng là 6.750 triệu cổ phiếu thì năm 2021 con số này tăng gấp 2 lần, đạt mức 13.500 triệu cổ phiếu.
4.2 Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt
Ông Tô Hải được biết đến là một trong những chuyên gia có nhiều thành tích xuất sắc trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn cổ phần hóa, phát hành chứng khoán ra công chúng, tái cấu trúc tài chính. Với nguyên tắc xây dựng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh là chính. Ông Tô Hải định hướng con đường phát triển tương lai của VCI là phát triển tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu môi giới.
5. Tổng kết nhận định về cổ phiếu sau khi đánh giá nền tảng cơ bản
5.1 Ưu Điểm của cổ phiểu VCI
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhanh, đặc biệt là từ giai đoạn 2020 đến nay.
Doanh nghiệp khai thác tốt các hoạt động kinh doanh như môi giới chứng khoán, tự doanh,… để đem lại hiệu quả hoạt động đầu tư cho DN
Ban lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm, có tư duy chiến lược tốt
5.2 Nhược điểm của cổ phiếu VCI
Chi phí vay và lãi vay còn nhiều,gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của HDKD
Dòng tiền của HĐKD vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ việc chi trả khoản vay. Trong tương lai nếu VCI nên tiến hành cải thiện nhiều hơn dòng tiền tài chính của doanh nghiệp.
III. Định Giá Cổ Phiếu VCI
Thông qua việc phân tích BTCT của doanh nghiệp cũng như những thông tin và dữ liệu thu thập được từ thị trường có thể thấy VCI là công ty chứng khoán có mức tăng trưởng nhanh. Do vậy, có thể nhận định mức giá cổ phiếu VCI trong tương lai như sau:
Mức giá 1 : Khoảng giá phù hợp với giá trị của VCI đối với kịch bản VCI tiếp tục tăng trưởng và cải thiện các rủi ro ở trên
Sử dụng EPS (của 4 quý gần nhất) = 5,506.33 ; PE (trung bình của ngành) = 15
Giá VCI 1: 82.590 vnđ/cp
Mức giá 2 Khoảng giá phù hợp với giá trị của VCI đối với kịch bản VCI tiếp tục tăng trưởng và kèm theo tăng các rủi ro ở trên
Sử dụng EPS (của 4 quý gần nhất)= 5,506.33 x 10
Giá VCI 2: 55.063 (vnđ)
Mức giá 3 Khoảng giá phù hợp với giá trị của VCI đối với kịch bản VCI không hoàn thành kế hoạch kinh doanh
Sử dụng EPS (của năm trước) = 5,852.07; EPS ước tính 2022 =5,852.07; tốc độ tăng trưởng cho 2023 = 53%
Giá VCI 3: 31.013 vnđ/cp
Lưu ý, định giá ở đây chỉ là ước tính giá trị hợp lý của VCI ở mỗi kịch bản. Giá thực tế có thể dao động cao hơn hoặc thấp hơn quanh khoảng định giá.
Nhìn chung: VCI là một trong những cổ phiếu tiềm năng, đáng để đầu tư. Trong thường điểm hiện tại với mức giá 40.500 ( ngày 30/07/2022) thì khoản giá này khá thích hợp để đầu tư. Việc chọn mua cổ phiếu VCI sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên cần xem xét khoản giá để tránh trường hợp đu đỉnh không nên có.