Phân tích cơ bản là phương pháp xuất hiện đầu tiên trong việc phân tích thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đã áp dụng phương pháp phân tích cơ bản này và đã thành công. Để làm được điều đó, họ phải là những con người có đủ kiên nhẫn cũng như tầm nhìn trong dài hạn. Vậy cụ thể Phân tích cơ bản là gì? Những yếu tố nào là quan trọng trong phương pháp phân tích cơ bản? Tôi sẽ nói rõ hơn về các vấn đề đó thông qua bài viết bên dưới.
I. Phân tích cơ bản là gì?
Phương pháp phân tích cơ bản trong chứng khoán là phương pháp thông qua các yếu tố bên trong và bên ngoài của tài sản để xác định được giá trị thực, hay giá trị nội tại của tài sản đó. Từ đó dự đoán được xu hướng biến động giá cả tài sản trong tương lai.
Phân tích cơ bản từng được xem là phương pháp phân tích duy nhất dự đoán được xu hướng của giá thị trường trước khi phương pháp phân tích kỹ thuật ra đời.
Mục tiêu của phân tích cơ bản là xác định giá của tài sản ở hiện tại cao hay thấp hơn giá trị thực của nó. Nếu giá cao hơn hoặc thấp hơn, khả năng thị trường sẽ điều chỉnh giá giảm hoặc tăng tương ứng, để đưa mức giá về đúng với giá trị thực của nó.

II. So sánh phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật
Tuy rằng phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đều là các phương pháp được sử dụng để dự đoán xu hướng giá thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, hai phương pháp này có những sự khác biệt cụ thể về mặt bản chất với nhau.

- Phân tích cơ bản:
- Phân tích tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, công nghệ,…. ảnh hưởng như thế nào đến giá
- Dự đoán trong dài hạn
- Dự đoán xu hướng giá là tăng hay giảm
- Phân tích kỹ thuật:
- Phân tích giá, quy luật biến động giá thông qua các công cụ hỗ trợ phân tích như biểu đồ nến, chỉ báo,…..
- Dự đoán trong ngắn hạn và trung hạn
- Dự đoán thời điểm hợp lý để thực hiện giao dịch mua, bán
III. Ưu nhược điểm của phương pháp phân tích cơ bản
Phương pháp phân tích nào cũng sẽ có những điểm nổi trội và những hạn chế nhất định, phân tích cơ bản cũng như vậy. Dưới đây là những thông tin tổng hợp về ưu điểm và nhược điểm của phân tích cơ bản.

1. Ưu điểm
- Giúp các nhà đầu tư xác định được đâu là chứng khoán tiềm năng trong dài hạn thông qua việc dự đoán các xu hướng của giá trong dài hạn với độ chính xác cao.
- Nếu thường xuyên theo dõi thị trường và nắm bắt thông tin nhanh chóng, nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro cho tài sản của mình hoặc nắm bắt cơ hội để thu được càng nhiều lợi nhuận.
2. Nhược điểm
- Không hiệu quả trong quá trình ngắn hạn và trung hạn
- Lượng kiến thức lớn và đa lĩnh vực sẽ làm khó các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm
- Phải dành nhiều thời gian cho việc theo dõi tin tức và cập nhật thông tin thị trường một cách nhanh chóng. Biết cách phân tích, xử lý thông tin, tránh các thông tin gây nhiễu, thông tin giả,….
IV. Những yếu tố quan trọng trong phương pháp phân tích cơ bản
Trong phân tích cơ bản, các yếu tố của doanh nghiệp như: tài chính, doanh thu, nợ,…đều sẽ được sử dụng để nghiên cứu và khai thác. Theo triết lý đầu tư giá trị của Benjamin Graham – một nhà đầu tư đại tài và là người thầy truyền cảm hứng cho rất nhiều các thế hệ nhà đầu tư, đã đề xuất việc chia các yếu tố quan trọng trong phương pháp phân tích cơ bản thành hai nhóm: nhân tố định tính, nhân tố định lượng.
1. Phân tích định tính

Những yếu tố định tính là những yếu tố được nhìn nhận theo ý kiến chủ quan của nhà đầu tư, bao gồm:
- Kỳ vọng ngành: Triển vọng tăng trưởng và phát triển vững chắc của ngành trong tương lai.
- Mô hình kinh doanh: Mỗi doanh nghiệp trong cùng một ngành đều có những mô hình kinh doanh riêng biệt. Nghiên cứu về yếu tố này giúp cho nhà đầu tư hiểu rõ về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.
- Lợi thế cạnh tranh: là lợi thế của doanh nghiệp về thương hiệu, sản phẩm, chi phí kinh doanh,….Xem xét tính bền vững của các yếu tố này, và dự đoán về kế hoạch tăng cường lợi thế cạnh tranh của ban lãnh đạo doanh nghiệp
- Rủi ro: các rủi ro trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. Nhà đầu tư cần phân tích tính hợp lý và tính đảm bảo của những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro và giải pháp hạn chế tổn thất mà rủi ro gây ra cho doanh nghiệp
- Ban lãnh đạo và quản trị: Xem xét tầm nhìn và uy tín của các cấp cao trong doanh nghiệp
2. Phân tích định lượng

Những yếu tố định lượng là những yếu tố khách quan. Cụ thể, đó là những chỉ tiêu tài chính được doanh nghiệp công bố định kỳ. Các nhà đầu tư nên kiểm tra số liệu của ba bộ phận trong báo cáo tài chính để tìm ra mối liên kết giữa các chỉ tiêu. Các chỉ tiêu đó bao gồm:
- Doanh thu và lợi nhuận: sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, các tỷ suất sinh lời, biên lợi nhuận và những khoản thu nhập bất thường.
- Tài sản và nguồn vốn: bao gồm cơ cấu tài sản, tiền mặt, cấu trúc vốn, vốn lưu động, tỷ lệ nợ, hệ số thanh toán.
- Dòng tiền: vốn CAPEX, dòng tiền tự do, chính sách cổ tức cho cổ đông.
- Chỉ số giá thị trường: có hai chỉ số là P/E và P/B. Hai chỉ số này giúp tìm ra những cổ phiếu tiềm năng bị định giá thấp hơn giá trị nội tại của nó.
V. Tổng kết
Phân tích cơ bản giúp các nhà đầu tư hiểu được các kiến thức căn bản về mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải biết cách áp dụng các kiến thức đó vào quá trình phân tích và đưa ra phương án đầu tư hiệu quả.