TOP 10 Cổ phiếu ngành Thủy Điện vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài và nhu cầu tiêu thụ điện nói chung suy giảm, nhiều doanh nghiệp ngành Thủy điện vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong nửa đầu năm 2022, nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi kéo dài và lợi thế trong ngành phát điện đang cạnh tranh, các doanh nghiệp ngành thủy điện trên thị trường chứng khoán tiếp tục đạt được lợi nhuận cao. Theo đó, cổ phiếu ngành thủy điện cũng được quan tâm hơn rất nhiều. Vậy TOP 10 Cổ phiếu ngành Thủy điện trên thị trường hiện nay gồm những doanh nghiệp nào? Hãy cùng Ohmoney tìm hiểu xem nhé!
I. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (tên viết tắt là PV Power) đã từng hoạt động theo mô hình kinh doanh là Công ty TNHH MTV và được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 100% vốn, trước khi chuyển mô hình hoạt động kinh doanh thành Công ty Cổ phần ngày 1/7/2018.
- Mã CK: POW
- Sàn niêm yết: HOSE
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 32,552 tỷ đồng
POW giữ vững vị thế là cổ phiếu ngành thủy điện có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. PV Power sở hữu 2 nhà máy thủy điện là Nhà máy thuỷ điện Hủa Na ở tỉnh Nghệ An với công suất 180 MW, và Nhà máy thuỷ điện Đakđrinh ở tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum với công suất 125 MW
II. Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP
Cổ phiếu ngành thủy điện của công ty có vốn hóa cao nhì là Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (Power Generation Joint Stock Corporation 3, viết tắt là EVNGENCO 3). EVNGENCO 3 được thành lập vào ngày 1 tháng 6 năm 2022 và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1 tháng 10 năm 2018
- Mã CK: PGV
- Sàn niêm yết: HOSE
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 27,750 tỷ đồng
Nhờ tình hình thủy văn thuận lợi trong đầu năm 2022, các nhà máy thủy điện thuộc Tổng công ty đã được huy động cao, tổng sản lượng điện dựa vào thủy điện trong tháng 5 đạt 473 triệu kWh, vượt kế hoạch 149,2%. Nổi bật là lưu lượng nước ở các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpốk 3 của Công ty thủy điện Buôn Kuốp trong tháng tăng cao, lên đến 167 % so với lưu lượng trung bình của cùng kỳ trong 12 năm qua
III. Tổng Công ty IDICO – CTCP
Tổng công ty IDICO – CTCP (tên đầy đủ là Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam) đã có hơn 20 năm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện năng và nằm trong top 3 cổ phiếu ngành thủy điện có vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
- Mã CK: IDC
- Sàn niêm yết: HNX
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 21,186 tỷ đồng
Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng là dự án đầu tay của IDICO, đưa dòng điện thương hiệu “made in IDICO” lần đầu tiên lên lưới điện Quốc gia vào năm 2006. Dự án này đã đánh dấu cột mốc phát triển vượt bậc của IDICO trong ngành thủy điện, cung cấp 228 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện Quốc gia.
Đã có kinh nghiệm từ dự án Srok Phu Miêng, nên dự án cụm thủy điện trên sông Đak Mi thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện hơn, sản lượng điện bình quân hàng năm đạt hơn 1 tỷ kWh. Dự án này là một minh chứng cho sự thành công của thương hiệu IDICO trong ngành thủy điện.
IV. CTCP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi được thành lập vào ngày 21/5/2001, qua 3 lần đổi tên và chính thức hoạt động với tên gọi Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (viết tắt là EVNHPC DHD) như hiện tại. EVNHPC DHD có tổng công suất lắp đặt lên đến 770 MW.
- Mã CK: DNH
- Sàn niêm yết: UPCOM
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 19,050 tỷ đồng
Theo báo cáo của doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do tình hình thủy văn trên lưu vực các hồ tương đối thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ chứa cũng cao hơn nhiều so với các năm trước, đồng thời phân bố tương đối đều trong các tháng nên sản lượng và doanh thu đều cao so với năm trước. Hiện tại, DNH đang là cổ phiếu ngành thủy điện có vốn hóa cao thứ 4 ở nước ta.
V. CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh
Từ ngày 4/5/2005, Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh sang công ty cổ phần, đồng thời đổi tên thành Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (tên viết tắt là VSH)
- Mã CK: VSH
- Sàn niêm yết: HOSE
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 9,237 tỷ đồng
VSH hiện đang quản lý 2 nhà máy với tổng công suất lắp đặt là 136MW: Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn; Nhà máy Thủy điện Sông Hinh
Chiến lược của công ty là phát triển, sản xuất kinh doanh nguồn năng lượng thủy điện ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
VI. Tổng Công ty Điện lực TKV – CTCP
Tổng Công ty Điện lực TKV được thành lập vào ngày 21/10/2009, hoạt động dưới hình thức công ty TNHH MTV có 100% vốn Nhà nước.
Đến ngày 15/01/2016, tổng công ty mới chính thức hoạt động dưới mô hình kinh doanh công ty cổ phần với vốn điều lệ lên đến 6,800 tỷ đồng, với tên gọi là Tổng Công ty Điện lực TKV – Công ty Cổ phần.
- Mã CK: DTK
- Sàn niêm yết: HNX
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 8,398 tỷ đồng
Trong quý II năm 2022, sản lượng điện của doanh nghiệp giảm, giá bán điện thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và chi phí tài chính tăng. Nguyên nhân của vấn đề trên là do tỷ giá cuối kỳ đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, DTK vẫn nằm trong top 10 cổ phiếu ngành thủy điện có vốn hóa lớn nhất năm 2022.
VII. CTCP Điện Gia Lai
Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) có tiền thân là Công ty Thủy điện Gia Lai – Kon Tum, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành lập vào năm 1989. Đến năm 2010, công ty chuyển mô hình kinh doanh thành công ty cổ phần.
- Mã CK: GEG
- Sàn niêm yết: HOSE
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 7,131 tỷ đồng
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành Nhà máy Thủy điện, GEC hiện đang sở hữu tổng cộng 12 Nhà máy Thủy điện, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh: Gia Lai, Lâm Đồng và Huế, với tổng công suất là 81MW.
VIII. CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ
CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) được thành lập vào năm 2007, thực hiện quản lý vận hành đối với nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ có công suất lắp máy 220MW cùng với tổng sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 600 triệu kWh.
- Mã CK: SBH
- Sàn niêm yết: UPCOM
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 5,055 tỷ đồng
SBH có lãi ròng nửa đầu năm 2022 gấp 4.8 lần cùng kỳ năm 2021. Theo doanh nghiệp lý giải, do thời tiết diễn biến thuận lợi làm cho lưu lượng nước về hồ thủy điện tăng rất cao đã giúp tổng sản lượng điện phát ra tăng gấp đôi, qua đó khiến lợi nhuận của SBH tăng vọt.
IX. CTCP Thủy điện Hủa Na
Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (HHC) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007. Công ty chính là chủ đầu tư của dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na có vị trí ở thượng nguồn Sông Chu thuộc tỉnh Nghệ An.
- Mã CK: HNA
- Sàn niêm yết: UPCOM
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 4,234 tỷ đồng
Nhà máy thủy điện Hủa Na có công suất lắp đặt 180MW, sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 700 triệu kWh. Nhà máy thủy điện Hủa Na cũng tham gia phòng chống lũ đối với khu vực hạ lưu cũng như bổ sung nước vào mùa hạn cho hạ du. Cổ phiếu của công ty cũng nằm trong top 10 cổ phiếu ngành thủy điện có vốn hóa cao nhất.
X. CTCP Thủy điện Thác Mơ
Nhà máy thủy điện Thác Mơ được thành lập vào năm 1994, được đổi tên thành Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ (Thac Mo Hydro Power Joint Stock Company, viết tắt là TMHPC) và hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 1/1/2008. TMP là cổ phiếu thuộc top 10 cổ phiếu ngành thủy điện có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.
- Mã CK: TMP
- Sàn niêm yết: HOSE
- Nhóm ngành kinh doanh: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện
- Vốn hóa: 3,990 tỷ đồng
Nhà máy thủy điện Thác Mơ là đơn vị cung cấp điện chủ yếu cho hệ thống điện miền Nam trong giai đoạn 1995 – 2000. Hiện nay, TMHPC đã được hòa vào lưới điện Quốc gia, có công suất lắp máy là 150 MW, tổng sản lượng điện hàng năm trung bình khoảng 600 triệu kWh.
TỔNG KẾT
Trên đây là thông tin về TOP 10 cổ phiếu ngành Thủy điện có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Trong nửa đầu năm 2022, nhờ tình hình thủy văn thuận lợi nên đã có những dấu hiệu tích cực đối với sự phát triển của ngành thủy điện, và ngành này đã trở thành một trong số những ngành rất có tiềm năng. Vì vậy bạn hãy thử cân nhắc đến quyết định đầu tư cho cổ phiếu ngành thủy điện xem nhé.