Phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là việc áp dụng các phương pháp phân tích, đánh giá nhằm xác định được tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó là cơ sở cho các nhà đầu tư có thể nắm bắt được thực trạng kinh doanh cũng như có thể dự đoán trước tình hình tài chính của doanh nghiệp trong tương lai và dựa vào đó các nhà đầu tư sẽ đưa ra các quyết định phù hợp với mục tiêu, lợi nhuận của họ.
Bài viết ngày hôm nay, sẽ giới thiệu đến các bạn đọc một trong những chỉ số rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó là tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần.
Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần là gì?
Có tên gọi tiếng anh là Return On Sales – ROS được đánh giá dựa trên tỷ lệ sinh ra lợi nhuận được tạo ra dựa trên mỗi đồng doanh số của doanh nghiệp. Qua chỉ số này, các nhà đầu tư có thể biết được với một đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng hiệu quả thì chỉ số này sẽ càng cao.
Công thức tính ROS
Trong lĩnh vực tài chính, ROS được xác định bằng công thức sau:
ROS = Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần *100%
Ý nghĩa của tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần
Thông qua chỉ số ROS, các nhà đầu tư có thể đánh giá được việc quản lý chi phí của doanh nghiệp là hiệu quả hay chưa, nhất là trong hoạt động đánh giá quản lý chi phí nhằm tạo ra doanh thu lớn nhất với chi phí tối thiểu nhất. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt và mang lại khả năng sinh lời cao thì chỉ số này sẽ càng cao. Bên cạnh đó, khi chỉ số này cao cũng thể hiện doanh nghiệp đang sử dụng hiệu quả chi phí.
- Khi ROS âm, chứng tỏ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ, các nhà quản lý không kiểm soát được các chi phí trong hoạt động kinh doanh.
- Khi ROS dương, là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đó đang kinh doanh hiệu quả và sinh lãi cao cũng như vấn đề quản lý chi phí của doanh nghiệp đó được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, với chỉ số ROS ta có thể so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên chỉ số này chỉ nên so sánh với các đối thủ cùng ngành vì còn phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm của từng ngành khác nhau. Vì thế, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh, ta có thể so sánh ROS của doanh nghiệp với chỉ số trung bình của ngành để đưa ra những đánh giá, nhận định chuẩn xác nhất.
Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?
ROS là một trong những chỉ số rất được quan tâm trong đánh giá hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Vậy, chỉ số này bao nhiêu là tốt? Đây có lẽ cũng là vấn đề rất nhiều người thắc mắc. Để giải đáp thắc mắc này ta cùng xét 3 trường hợp sau đây:
- ROS < 0: Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần nhỏ hơn 0 là do doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, nhận về một khoản lỗ nên sau khi trừ đi mọi chi phí thì bị âm. Các nhà đầu tư thường không muốn đầu tư vào các doanh nghiệp có chỉ số ROS âm, tuy nhiên trong trường hợp này các nhà đầu tư nên đánh giá chỉ số ROS của doanh nghiệp đó trong nhiều năm, có thể ROS trong thời điểm bị âm là do phải thực hiện các chiến lược của doanh nghiệp trong khoảng thời gian đó.
- 0 < ROS < 10%: Thông số này cho thấy doanh nghiệp kinh doanh vẫn sinh lời sau khi trừ đi các chi phí, tuy nhiên phần lợi nhuận này là không cao. Vì thế, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp này.
- ROS > 10%: Với chỉ số ROS lớn hơn 10% cho thấy doanh nghiệp đang kinh doanh rất hiệu quả và kiểm soát rất tốt chi phí quản lý doanh nghiệp của mình.
Làm thế nào để cải thiện tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần cho doanh nghiệp?
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, quản lý chi phí chưa tốt dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần rất thấp. Vậy để tối ưu các phần chi phí cũng như cải thiện chỉ số ROS, doanh nghiệp phải chú trọng vào những yếu tố dưới đây:
Kiểm soát tốt chi phí
Trong hoạt động sản xuất sản phẩm, doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí tồn kho và nguyên vật liệu sử dụng, từ đó có thể kiểm soát tốt chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đàm phán lại với nhà cung cấp về các chi phí có thể giảm, tận dụng công suất của nhà xưởng bằng cách ưu tiên những đơn hàng có số lượng lớn.
Đẩy mạnh doanh thu
Với yếu tố này, doanh nghiệp cần đánh giá, xem xét lại chính sách bán hàng hiện tại của doanh nghiệp đã phù hợp hay chưa, từ đó có thể cải thiện, xây dựng các chính sách bán hàng hợp lý, thu hút khách hàng, từ đó có thể thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng một cách nhanh chóng.

Chu kỳ sống của sản phẩm
Dựa vào 4 giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm, các doanh nghiệp có thể đánh giá chu kỳ sống sản phẩm của doanh nghiệp đang nằm ở giai đoạn nào, từ đó có các chiến lược thay đổi phù hợp.
Yếu tố khách quan bên ngoài
Đối với việc phân tích các yếu tố khách quan bên ngoài, doanh nghiệp cần khảo sát, nghiên cứu thị trường về nhu cầu của thị trường về sản phẩm, thu nhập của người tiêu dùng và mức giá sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Từ đó có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả, dễ dàng kiểm soát được chỉ số ROS của doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ hữu ích về tỷ suất ROS của doanh nghiệp. Hi vọng những kiến thức trên có thể giúp bạn đọc hiểu rõ về chỉ số ROS và nâng cao hiệu quả công việc của bạn một cách tốt nhất. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và hẹn gặp lại bạn vào những bài viết tiếp theo!